Theo những người có trách nhiệm tại địa phương, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rớt giá là do thanh long chủ yếu xuất sang Trung Quốc, bên đó ngưng mua thì nhà vườn "chịu chết". Do thương lái Trung Quốc ngừng mua nhằm ép giá nên giá thanh long tại các nhà vườn giảm mạnh, tại Tiền Giang thanh long ruột đỏ chỉ còn từ 3.000-5.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng nếu xấu thì không bán được.
Tại tỉnh Bình Thuận, diện tích trồng thanh long toàn tỉnh 27.000 ha, sản lượng bình quân 500.000 - 600.000 tấn. Từ đầu năm đến tháng 9 vừa qua, giá thanh long ổn định có lúc lên tới hơn 20.000 đồng/kg. Gần đây, nguồn cung dư thừa, giá giảm trong khi 70% đầu ra phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Chắc nhiều người chưa quên chuyện chuối chín chặt bỏ cho bò ăn ở Đồng Nai; chuyện rau củ quả Đà Lạt không người mua, bỏ thối đầy đồng, chôn xuống làm phân bón; nguời dân trồng củ cải trắng ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội không bán được nhổ lên để trắng đồng hoặc phải chất đống bên đường hoặc đổ xuống sông để trồng giống khác. Câu chuyện được mùa mất giá không chỉ với cây, mà còn với con. Nông dân Việt đua nhau trồng tiêu, trồng mía, trồng khoai lang, rồi nuôi cá sấu, cá tra. Lúc bán được hàng mặt tươi như hoa, đua nhau nhà nhà người người tăng diện tích để rồi thương lái quay mặt đi thì khóc ròng vì lỗ méo mặt, treo ao treo hầm, trái cây, rau củ để héo, bán rẻ như cho rồi hư thối…
Câu chuyện giải cứu nông sản, mua giúp dưa hấu, chuối cho nông dân miền Trung miền Nam mấy năm qua cho thấy tình cảm đồng bào một nước, giúp nông dân qua cơn khó. Nhưng đó là sự đùm bọc, hỗ trợ lúc tình cảnh ngặt nghèo, không thể giải cứu mãi được mà nông dân phải tự cứu. Mặt khác, nếu không có chiến lược xuất khẩu trái cây mà chỉ trông vào thị trường của Trung Quốc thì nông dân còn có cuộc sống bấp bênh, khó làm giàu căn cơ, bền vững được. Nông dân Việt cũng phải tỉnh ngộ ra, phải đề phòng và "thủ thân" bởi đối tác này đã rất nhiều lần bội ước…
Hơn bao giờ hết, ngày nay, nông dân phải am hiểu thị trường, liên kết thành các tổ hợp tác, nuôi trồng, nghe theo chỉ dẫn của các cơ quan chuyên môn, khuyến nông khuyến ngư để biết chọn lọc, lựa chọn giống cây con phù hợp trong từng thời điểm, mùa vụ và giống cây con dài ngày. Đồng thời, các cơ quan chức năng của bộ ngành, địa phương, hiệp hội cùng doanh nghiệp giúp đỡ người nuôi trồng tiêu thụ sản phẩm, tư vấn cho người dân làm hợp đồng chặt chẽ, rõ ràng quyền và trách nhiệm của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng để không bị tình trạng khủng hoảng thừa tái diễn. Từ đó tiến tới tập quán làm ăn bài bản, làm ăn lớn, chủ động đầu vào đầu ra, không phụ thuộc vào một thị trường, không bị tình trạng ép giá, không tiêu thụ được sản phẩm.
Thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh là khó nhưng đó là cách duy nhất, là con đường bền vững nhất để nông dân chủ động làm giàu trên mảnh vườn, ao cá của mình, không phụ thuộc vào thương lái bên ngoài. Có như vậy thì mới ăn chắc mặc bền, ngủ ngon từng đêm, không còn nỗi lo và những giọt nước mắt rơi trên ruộng vườn ngày thu hoạch.
Bình luận (0)