Khi chúng tôi có mặt tại đây, một xe tải đang chờ trước "trạm thu phí" để được qua trạm. Tài xế xe tải là ông B. cho biết "trạm thu phí" do cán bộ thôn Tê Pên lập ra. Khi xe tải muốn qua trạm để vào chở hàng đều phải gọi điện cho ông A Trinh (thôn trưởng) để được mở rào chắn. Mỗi lượt, tài xế phải đóng 300.000 đồng.
"Sau khi gọi điện cho ông A Trinh, chúng tôi được một người đàn ông chừng 40 tuổi ra mở cổng và thu của tài xế 300.000 đồng. Sau khi xe đi qua, người này tiếp tục dùng ổ khóa rào chắn bằng dây xích. Xe có chở hàng hay không cũng đều phải đóng tiền hết. Nếu trưởng thôn bận không mở rào chắn được thì sẽ có cán bộ khác ra mở" - tài xế B. bức xúc và cho biết làm như vậy thì thiệt thòi chính là người dân trong thôn vì khi các xe vào thu mua buộc phải ép giá để thu lại từ người dân do chi phí tăng.
Xe tải chờ để qua “trạm thu phí” thôn Tê Pên
Ông Trương Đình Tuệ, Chủ tịch UBND xã Đắk Trăm, cho biết sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền xã đã xuống hiện trường và tháo dỡ rào chắn, đồng thời mời những cán bộ thôn Tê Pên lên làm việc. Theo đó, những cán bộ thôn lý giải đường qua cánh đồng trồng mì (sắn) đã bị nước lũ làm xói lở. Vào vụ năm nay, 6 hộ dân gần con đường cũ đã hiến đất mở đường, một doanh nghiệp hỗ trợ rọ và đá, còn người dân thôn Tê Pên bỏ công làm đoạn đường khác để qua khu trồng nông sản của người dân. Sau đó, ông A Trinh cùng những cán bộ thôn khác giải thích lập "trạm thu phí" để thu hồi lại tiền công làm đường.
"Họ bảo những thôn khác cũng có đất sản xuất bên kia suối nhưng không bỏ công làm đường thì phải góp tiền vào" - ông Tuệ nói.
Cũng theo ông Tuệ, sau đó chính quyền xã đã liên hệ với doanh nghiệp kinh doanh trạm cân trên địa bàn và đơn vị này đồng ý hỗ trợ tiền hiến đất của 6 hộ dân và hoàn lại tiền công cho người dân thôn Tê Pên để phá bỏ "trạm thu phí" tự phát này. Doanh nghiệp kinh doanh trạm cân đã đồng ý. "Thôn cũng đồng ý rồi, không còn tình trạng rào chắn để thu phí xe tải nữa".
Bình luận (0)