Cuối phiên họp chiều 23-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu làm rõ các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu trước Quốc hội
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Luật Các tổ chức tín dụng là một luật rất khó, rất phức tạp và rất nhạy cảm do tổ chức tín dụng là doanh nghiệp hoạt động phải tuân thủ luật của doanh nghiệp, nhưng đây là các trung gian tài chính huy động tiền của người dân, của doanh nghiệp và tiền của các tổ chức khác để cho vay cho nên các tổ chức tín dụng cũng phải hoạt động và tuân thủ các quy định để bảo đảm kiểm soát rủi ro cũng như các giới hạn an toàn. Chính Luật Các tổ chức tín dụng sẽ quy định tất cả những vấn đề giới hạn an toàn để kiểm soát rủi ro.
Trong quá trình dự thảo luật, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo và cuộc họp được tổ chức. Tại các cuộc này, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến. Dự thảo luật này cũng có rất nhiều quy định đã được tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung so với dự thảo luật vào tháng 5-2023 mà Quốc hội đã thảo luận.
Đặc biệt, những nội dung để nâng cao khả năng quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng nhằm hạn chế lạm dụng quyền của cổ đông lớn, bổ sung yêu cầu trách nhiệm và các giải pháp từ chính các cổ đông của các tổ chức tín dụng khi các tổ chức tín dụng có vấn đề. Trách nhiệm của những người tham gia hội đồng quản trị và ban điều hành của tổ chức tín dụng. Có những nội dung minh bạch hóa thông tin trong hoạt động điều hành, thông tin công khai về tỉ lệ của các cổ đông nắm giữ từ 1% trở lên…
Theo Thống đốc NHNN, qua lắng nghe báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thấy vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Trong báo cáo này có những vấn đề, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt còn các phương án khác nhau. Đây là những vấn đề lớn và cũng cần có thời gian để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Bởi vậy Quốc hội xem xét chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng tại kỳ họp này là hết sức cần thiết để các cơ quan có thời gian nghiên cứu, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng trước khi trình báo cáo Quốc hội thông qua ở kỳ họp sau.
Về vấn đề giảm thao túng, giảm sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng, Thống đốc NHNN cho rằng đây là những vấn đề Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng rất quan tâm. Có rất nhiều chỉ đạo để xử lý, như đại biểu Quốc hội đã nêu, yêu cầu phải xử lý triệt để vấn đề thao túng, sở hữu chéo trong hoạt động của ngân hàng. Khi soạn thảo, để đạt được mục tiêu này, cơ quan soạn thảo cũng nhận thức rằng phải có một loạt các giải pháp mới xử lý được.
Trước tiên trong luật này phải có các quy định. Dự thảo luật mà Quốc hội thảo luận vào tháng 5-2023 có những quy định giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân từ 5% xuống 3%. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu có ý kiến không cần thiết phải giảm xuống 3%, đặt ra câu hỏi là quy định như vậy thì có xử lý được triệt để hay không?
"Trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, chúng tôi trả lời thực ra nếu chỉ quy định thì không thể xử lý triệt để được, bởi vì quy định là để có căn cứ khi người ta sai phạm thì mình xử lý được người ta, còn quan trọng nhất đó là vấn đề tổ chức thực hiện. Tổ chức thực hiện đối với ngành ngân hàng qua những sự việc vừa qua, chúng tôi nhận thức và rút kinh nghiệm để có thể có những giải pháp. Tuy nhiên, đối với bản thân ngành ngân hàng cũng chưa đủ. Vừa rồi tôi thấy ý kiến của đại biểu Phạm Văn Thịnh đề cập rất rõ, bởi vì ta quy định 5% cổ phần nhưng nếu cổ đông cứ cố tình nhờ người khác đứng tên, việc xử lý thao túng này cũng không thực hiện được.
Cho nên cần phải ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ, chỗ này lại đòi hỏi phải có một sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành hay địa phương. Đặc biệt, như đại biểu Thịnh nêu là phải có một hệ thông tin về doanh nghiệp, về cá nhân để xác thực được họ là ai và họ có liên quan như thế nào với doanh nghiệp đi vay vốn là những người có liên quan... Điều đó là một vấn đề đòi hỏi các cơ quan, bộ, ngành có nghiên cứu và có thể như đại biểu Thịnh nêu là phải có những quy định như thế nào, đấy là vấn đề" - Thống đốc NHNN nói.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay để giải quyết được trong dự thảo luật này, một số đại biểu nêu cần phải minh bạch. Trong dự thảo đã quy định với những cổ đông nắm giữ trên 1% cổ phần thì phải công bố công khai. Như thế, những cổ đông bản thân không có thu nhập cao hoặc chỉ là nhân viên bình thường mà nắm giữ cổ phần lớn thì có thể dễ phát hiện ra khi chúng ta công khai được vấn đề này.
Để giảm thao túng về đầu ra của tổ chức tín dụng, trong dự thảo luật này thiết kế phải giảm tỉ lệ cấp tín dụng đối với khách hàng và những khách hàng có liên quan từ 15% xuống 10%. Một số đại biểu cũng nêu việc này cần phải có lộ trình. Trên thực tế thì cơ quan soạn thảo đã dự thảo một lộ trình để giảm từ 15% xuống 10%. Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu có thể sẽ giao cho Chính phủ quy định về lộ trình cụ thể này.
Về vấn đề phía NHNN trong quá trình chỉ đạo điều hành và thanh tra giám sát, Thống đốc NHNN cho biết cũng nhận diện và cũng nhận thức được cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Đặc biệt, ở các tổ chức tín dụng có bộ phận kiểm soát, kiểm toán của từng tổ chức tín dụng. Họ phải có trách nhiệm trong việc giám sát tối cao đối với hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban điều hành. Vấn đề này trong thời gian vừa qua NHNN cũng đã tăng cường để chính các tổ chức tín dụng phải là người giám sát tối cao...
Bình luận (0)