Thông tin chính phủ Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ ngày 15-3 là tín hiệu tích cực cho du lịch Việt Nam. Bởi Trung Quốc là thị trường khách quốc tế (inbound) hấp dẫn không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới. Nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch kỳ vọng thị trường Trung Quốc sẽ có xu hướng "đi du lịch trả thù" sau gần 3 năm đóng cửa hoàn toàn.
Đặc biệt, với một nước láng giềng như Việt Nam - đi lại dễ dàng, chi phí hợp lý và nhiều trải nghiệm hấp dẫn, chắc chắn du khách Trung Quốc sẽ không thể bỏ qua. Đây cũng là cơ hội để tái định vị dòng khách Trung Quốc, đưa thị trường Đông Bắc Á trở lại mức 50%-60% so với năm 2019 (thời điểm chưa có dịch COVID-19).
Năm 2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 5,8 triệu lượt, chiếm 32% tổng lượng khách quốc tế. Tính riêng tại Sun Group, thị trường khách nói tiếng Trung là một trong 2 thị trường có lượng khách lớn nhất (cùng với Hàn Quốc). Các công viên vui chơi - giải trí, khách sạn, khu nghỉ dưỡng của Sun Group… cũng là điểm đến yêu thích của dòng khách này. Họ thích du lịch biển, du lịch núi, đến các khu vui chơi - giải trí với các công trình biểu tượng, đặc biệt là thích mua sắm, ăn uống trải nghiệm… Mức chi tiêu của nhóm khách này tương đối cao. Đặc biệt, khách Trung Quốc hay đi du lịch theo đoàn đông người. Do đó, đóng góp của nhóm này vào doanh thu của các đơn vị là khá lớn.
Năm 2022, dù Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn du lịch nhưng do Trung Quốc vẫn siết chặt quy định phòng dịch nên lượng khách đến hệ thống của Sun Group chỉ đạt gần 72.000 lượt, bằng 1,24% lượng khách Trung Quốc trước dịch. Thiếu hụt khách Trung Quốc là khoảng trống lớn của du lịch Việt Nam trong năm qua. Việc tìm kiếm các nguồn khách khác để bù đắp cho khách Trung Quốc dù đã được tính đến và triển khai nhưng kết quả vẫn rất hạn chế.
Nhìn rộng hơn, không chỉ khách Trung Quốc mà nhiều thị trường khách khác của du lịch Việt Nam như Hàn Quốc, các quốc gia Đông Nam Á, thị trường mới như Ấn Độ và những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu... đều cần được lưu tâm đẩy mạnh.
Muốn vậy, ngay lúc này, cần tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là chính sách visa - vốn là rào cản đầu tiên của du khách trước khi đến Việt Nam. Đề xuất trong ngắn hạn, cần mở rộng phạm vi quốc gia được miễn thị thực đơn phương. Cụ thể là mở rộng miễn thị thực cho 80 quốc gia thuộc danh sách được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam để tranh thủ đón khách quốc tế trong dịp hè này. Trong dài hạn, cần sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó tăng thời hạn thị thực lên 90-180 ngày; thời gian tạm trú 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần.
Chính sách mở rộng danh sách miễn thị thực sẽ thu hút mạnh hơn nữa khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam, tăng nguồn thu ngoại tệ, bảo đảm đáp ứng nhu cầu dự trữ ngoại hối và tăng cán cân ngoại tệ. Với đặc điểm khách quốc tế chi tiêu cao hơn rất nhiều so với khách nội địa, việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không chỉ giúp nhanh chóng phục hồi du lịch mà còn kích cầu các lĩnh vực liên quan như hàng không, giao thông vận tải, thương mại - dịch vụ, lao động - việc làm, góp phần phát triển kinh tế.
Bình luận (0)