Nhưng thông minh, sáng tạo ở mức độ nào, thứ hạng ra sao... thì chưa có thống kê và công bố xác đáng. Vì thế, phải luôn tỉnh táo trước mọi lời khen và đặc biệt là tự mình cần phân định giữa thông minh, sáng tạo với khôn lỏi, khôn vặt.
Một người đàn ông ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội thay vì xếp hàng chờ rút tiền từ cây ATM như mọi người thì lại chen lên hàng trước. Bị một người phụ nữ nhắc nhở, ông ta xông đến đánh tới tấp, dọa "mày biết tao là ai không?". Là ai, mặc kệ, bởi sau khi clip ông chèn hàng và hành hung phụ nữ được đưa lên Facebook, ngay lập tức ông bị cư dân mạng "cho ăn gạch đá" không thương tiếc, công an cũng kêu ông ta lên xử lý sau khi nạn nhân có đơn thưa.
Chuyện khác, một người phụ nữ bay chuyến Hà Nội - Cam Ranh hồi đầu tháng 10 đã nhanh tay cuỗm chiếc áo phao dưới ghế ngồi trên phi cơ, sau đó bị phát hiện và ăn phạt 8,5 triệu đồng. Bà ấy khai là chôm áo phao về cho con học bơi (!). Áo phao ngoài thị trường bán chẳng mấy đồng mà sao người ta lại lên máy bay lấy trộm? Đó là bởi máu tham sẵn có cộng với tật khôn vặt mà ra.
Hai câu chuyện vừa xảy ra không nói lên tất cả song cũng phản ánh được phần nào rằng khôn lỏi là tánh xấu của người Việt. Đó chẳng phải là sự thông minh. Các học giả đầu thế kỷ XX như Vũ Ngọc Phan, Phan Kế Bính, Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh... đã chỉ ra nhiều tật xấu như thế và đúc kết sự bản năng hoang dã ấy xuất phát từ thói vị kỷ và tư duy ngắn hạn, manh mún, lo hôm nay mà chẳng nghĩ tới đường dài.
Cố tật đó như cỏ dại, hễ gặp "đất tốt" là nảy nòi. Cua bán theo trọng lượng mà quấn mớ dây vải nhúng nước, mỗi ký ăn gian của khách hàng 2-3 lạng. Vải thiều bán lề đường ghi 30 ngàn 1/2 ký, số 2 cố tình kẻ bằng phấn trắng thật bé và mờ, cốt "dụ" người mua. Từ đầu thế kỷ XX, chí sĩ Lương Văn Can - người mở Trường Đông Kinh Nghĩa Thục - đã viết sách dạy buôn bán và bàn về đạo đức kinh doanh với tư tưởng "kinh doanh phải trung thực và hiếu nghĩa". Rõ ràng, hiếm ai được người đời tín phục hay làm giàu bền vững nhờ khôn lỏi, thiếu trung thực. Lời dạy ấy đã hơn 110 năm nay vẫn còn thời sự và vẹn nguyên giá trị.
Bình luận (0)