Sáng 13-11, tiếp tục chương trình nghị sự của Quốc hội (QH), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018.
Hoạt động bạo lực leo thang
Báo cáo đánh giá năm 2018, Chính phủ đã bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng và các nghị quyết của QH để chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực.
Bộ trưởng Tô Lâm trình bày báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018 - Ảnh: Quochoi.vn
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. "Các tổ chức phản động lưu vong tiếp tục tăng cường hoạt động chống phá Đảng và nhà nước với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc tạo sự hoài nghi, gây ra tâm trạng bức xúc trong một bộ phận quần chúng nhân dân, từ đó kích động tập trung đông người gây rối, leo thang các hoạt động bạo lực, khủng bố phá hoại" - báo cáo nêu rõ.
Bên cạnh đó, tình hình an ninh mạng; an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh các vùng chiến lược còn tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Chính phủ cũng đánh giá tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là "tham nhũng vặt" trong khu vực hành chính, dịch vụ công. Qua các vụ án đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng tạo ra các "nhóm lợi ích" nhằm thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga - Ảnh: Quochoi.vn
Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý công tác quản lý cán bộ trong lực lượng phòng, chống tội phạm vẫn còn sơ hở nên đã để xảy ra một số vụ án có sự tham gia của một số sĩ quan cấp cao trong lực lượng công an.
"Một số cá nhân, doanh nghiệp (DN) móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo các "nhóm lợi ích" hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ, các "tổ chức bình phong" nhằm dùng ảnh hưởng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước. Có những vụ việc liên quan đến một số sĩ quan công an, quân đội, lãnh đạo một số địa phương đã kéo dài trong nhiều năm, nhưng đến nay mới được phát hiện, xử lý. Điển hình như vụ: Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ…" - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ rõ.
Bà Nga cũng điểm lại vụ việc một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa điểm, làm sai lệch kết quả thi ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đã gây bất bình trong xã hội, làm mất lòng tin của người dân về sự công bằng, nghiêm minh, khách quan của kỳ thi.
Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 32,2%
Trình bày báo cáo công tác năm 2018, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết năm 2018, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Cơ quan chức năng khởi tố mới hơn 72.000 vụ án, tăng 3,2% so với năm 2017. Trong đó, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 32,2%, tội phạm về ma túy tăng 12,6%, tội phạm về trật tự xã hội tăng 0,8%.
"Tiếp tục phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế với sự cấu kết chặt chẽ giữa DN với những người có chức vụ, quyền hạn, có vụ liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và nhà nước" - báo cáo nêu.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí thừa nhận có 3 vụ "Dùng nhục hình" dẫn đến chết người - Ảnh: Quochoi.vn
Cũng theo báo cáo, có 3 vụ án "Dùng nhục hình" dẫn đến chết người xảy ra tại cơ sở giam giữ; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng (chiếm 69,2%), tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tư pháp khác chiếm 30,8%. Đã ra lệnh bắt tạm giam 22 cán bộ là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên để phục vụ điều tra, truy tố. Số tiền tham ô, nhận hối lộ chiếm đoạt có vụ trên 1 tỉ đồng. Qua điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao đã thu hồi hơn 6,7 tỉ đồng, đạt 55% trên tổng số tiền phải thu hồi là 12,37 tỉ đồng...
Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng một số VKSND chưa kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác về tội phạm, dẫn tới còn để 3.368 tố giác vi phạm thời hạn giải quyết, tăng 193%.
Vẫn còn 39 trường hợp VKSND đã phê chuẩn bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ sau đó phải trả tự do, không xử lý hình sự; còn 24 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố, có trách nhiệm của VKS; còn để xảy ra 10 trường hợp VKSND phải rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa, trong đó có 3 trường hợp bị oan; còn 153 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt; 6 trường hợp VKSND truy tố nhưng sau đó tòa án tuyên không phạm tội.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp tòa án tuyên mức án chưa tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội; 86 trường hợp phải hủy án, 149 trường hợp phải sửa án.
Đáng lưu ý, còn 117 trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định. Thậm chí, có trường hợp tuyên án treo gây bất bình trong dư luận như vụ Nguyễn Khắc Thủy phạm tội dâm ô với trẻ em xảy ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bình luận (0)