Ngày 22-8, nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước đã công bố điểm chuẩn bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Mức điểm trúng tuyển thấp nhất là 15 và cao nhất là 29,42. Kết quả xét tuyển cho thấy mức điểm trúng tuyển vẫn cao, nhiều trường dù giảm điểm nhưng không nhiều.
Điểm chuẩn nhiều trường vẫn cao chót vót
Mùa tuyển sinh năm nay ghi nhận mức điểm trúng tuyển cao kỷ lục của ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm nay, để trúng tuyển vào ngành khoa học máy tính (IT1) ở ĐH này, thí sinh phải đạt 29,42 điểm. Đây cũng là mức điểm chuẩn kỷ lục của ĐH Bách khoa Hà Nội trong 5 năm qua.
Thí sinh dự thi vào ĐH Bách Khoa Hà Nội năm 2023Ảnh: Phạm Huyền
Mức điểm này cũng khiến 2 thủ khoa khối A00 năm nay là Nguyễn Mạnh Thắng và Nguyễn Mạnh Hùng cùng đạt 29,35 điểm nhưng đều trượt nguyện vọng 1 vào ngành. Nguyễn Mạnh Thắng cho biết em khá bất ngờ với kết quả này. Theo Thắng, do năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quy định cách cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên, khác so với những năm trước, nên điểm ưu tiên của em khá ít, không đủ vào ngành IT1.
Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên có thay đổi. Theo cách tính mới, không còn tình trạng trên 30 điểm mới trúng tuyển ĐH như những năm trước.
Năm nay, điểm chuẩn ngành cao nhất của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội là 28,78 ở khối C00 (ngành quan hệ công chúng). Mức này thấp hơn 1,17 điểm so với năm ngoái (29,95). Các ngành báo chí và Đông phương học cùng 28,5 điểm.
Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (KHTN) - ĐHQG TP HCM, điểm trúng tuyển năm nay ổn định và chênh lệch không nhiều so với năm 2022. Trong đó, ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) tiếp tục giữ mức điểm chuẩn cao nhất trường là 28,05. Tiếp đến là ngành trí tuệ nhân tạo có điểm chuẩn 27 trong năm đầu tiên xét tuyển theo mã ngành riêng. Đặc biệt, một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học sự sống và KHTN có điểm chuẩn tăng vọt so với năm 2022. Chẳng hạn, ngành sinh học, ngành sinh học chương trình chất lượng cao tăng 4 - 4,5 điểm; ngành hải dương học, nhóm ngành vật lý học, công nghệ vật lý điện tử và tin học tăng 2 điểm.
Bà Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Truyền thông Trường ĐH KHTN, cho biết những năm trước, một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học sự sống và KHTN có điểm chuẩn thấp nhưng năm nay tăng vọt. Điển hình, ngành sinh học điểm chuẩn năm ngoái chỉ 17 thì năm nay tăng vọt lên gần 4. Theo bà Tú, ngành sinh học, công nghệ sinh học được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực, được nhà nước ưu tiên đầu tư nên nhiều thí sinh quan tâm dẫn đến tăng điểm chuẩn.
Tại Trường ĐH Kinh tế - Luật, điểm chuẩn của các ngành cũng từ 24,06 trở lên. Ngành thương mại điện tử có điểm chuẩn trúng tuyển cao nhất là 27,48. Hai ngành khác của trường có điểm chuẩn trên 27 là hệ thống thông tin quản lý - 27,06 điểm, tiếp thị số (bắt đầu tuyển sinh năm 2023) - 27,25 điểm. Điểm trúng tuyển trung bình tính theo các lĩnh vực đào tạo như kinh tế (25,89), kinh doanh (26,04), luật (25,32).
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, nhiều ngành có mức điểm chuẩn từ 25 trở lên. TS Quách Thanh Hải, Trưởng Phòng Đào tạo, cho biết điểm chuẩn năm nay đều tăng ở các ngành, có ngành tăng hơn 2 điểm.
Trong khi đó, điểm chuẩn ở nhiều trường giảm nhẹ. Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, điểm chuẩn các ngành đều trên 21. Đại diện nhà trường cho biết mức điểm năm nay giảm nhẹ từ 0,2 đến 1 điểm tùy ngành, có những ngành thuộc khối du lịch tăng nhẹ từ 0,4 đến 1 điểm. Riêng chương trình chất lượng cao tiếng Anh toàn phần cả 3 ngành đều tăng 0,3 đến 1,5 điểm.
Lý giải về hiện tượng tăng điểm chuẩn ở nhiều trường ĐH, một chuyên gia tuyển sinh cho rằng hiện nay, các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển như xét học bạ, đánh giá năng lực, xét điểm thi tốt nghiệp THPT... Với các phương thức xét tuyển sớm, nhiều trường đã gọi thí sinh trúng tuyển với một số lượng khá lớn nên chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều. Vì vậy, điểm chuẩn phải tăng, thậm chí tăng mạnh. Ngược lại, những trường vẫn dành một tỉ lệ lớn chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT thì điểm chuẩn cơ bản không biến động.
Khối sức khỏe giảm, sư phạm lịch sử tăng
Năm nay, điểm chuẩn của khối sức khỏe cũng giảm đáng kể. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có mức điểm chuẩn cao nhất là 26,31 cho ngành y khoa, ngành y tế công cộng có điểm chuẩn thấp nhất - chỉ 18,35.
Tương tự, điểm chuẩn hầu hết các ngành của Trường ĐH Dược Hà Nội đều giảm so với năm ngoái. Mức điểm chuẩn của trường dao động từ 23,81 đến 25. Ngành dược học có điểm chuẩn cao nhất là 24, xếp sau là hóa dược với 24,9 điểm và công nghệ sinh học với 24,21, trong khi ngành hóa học lấy mức thấp nhất là 23,81 điểm.
Ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ là y khoa, chỉ ở mức 25,52. Ngành răng - hàm - mặt của Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên lấy điểm cao nhất là 26,25, ngành y khoa 26 điểm, các ngành dược học 24,7 điểm, kỹ thuật xét nghiệm y học lấy 24,25 điểm; các ngành còn lại dao động từ 19 đến 21,25 điểm.
PGS Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết năm nay, ngành sư phạm lịch sử có điểm cao nhất, lên tới 28. Theo PGS Nguyễn Đức Sơn, nguyên nhân là do chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm, trong khi 16 học sinh đoạt giải quốc gia môn lịch sử đăng ký vào ngành này của trường và đã nhập học trước theo diện xét tuyển thẳng.
Ngành sư phạm lịch sử của Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên cũng ghi nhận mức điểm trúng tuyển rất cao - 28. Xếp sau đó là ngành sư phạm ngữ văn với 26,85 điểm, ngành sư phạm địa lý với 26,73 điểm.
Theo ghi nhận ban đầu, năm nay, điểm chuẩn vào hầu hết các ngành của trường tốp trên không nhiều biến động so với năm trước. PGS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho rằng xét ở mặt bằng chung, điểm trúng tuyển của các trường tương đồng năm 2022. Điểm mới trong xét tuyển năm nay là nhờ việc tối ưu hóa các dữ liệu sử dụng để xét tuyển của thí sinh khi chỉ cần đăng ký theo ngành đào tạo. Tỉ lệ thí sinh trúng tuyển có sự gia tăng tích cực trên toàn hệ thống.
PGS Nguyễn Thu Thủy đánh giá kết quả trúng tuyển nhìn chung ghi nhận không có điểm chuẩn quá cao, do áp dụng việc tính điểm ưu tiên theo quy chế tuyển sinh (có hiệu lực từ năm 2023) và do việc đã tối ưu hóa được lựa chọn tổ hợp xét tuyển cho thí sinh.
Xác nhận nhập học trước ngày 8-9
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ngay sau khi các trường công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển, thí sinh cần xác nhận nhập học trên cổng thông tin của bộ trước ngày 8-9. Sau thời điểm này, thí sinh không xác nhận nhập học sẽ coi như từ chối nhập học.
Bình luận (0)