Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về tiến độ dự án thu phí tự động không dừng. Tính đến nay, trên toàn quốc có 112 trạm thu phí đưa vào vận hành hệ thống thu phí ETC.
Đóng làn thu phí thủ công
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong 112 trạm thu phí có 63 trạm lắp đủ 100% làn thu phí ETC (4-8 làn), 30 trạm đã lắp 3 làn, còn 19 trạm mới lắp đặt được 2 làn ETC. Tại các trạm vẫn còn trên 120 làn thu phí chưa được lắp đặt hệ thống ETC. Vừa qua, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các nhà đầu tư bổ sung hệ thống, mua sắm trang thiết bị để hoàn thành việc tăng số làn theo quy định vào quý I/2022. Dự án nào không thực hiện sẽ đóng các làn thu phí thủ công.
Tính đến hết năm 2021, có hơn 2,3 triệu phương tiện dán thẻ thu phí tự động không dừng, chiếm hơn 51% số lượng phương tiện phải dán thẻ trên toàn quốc. Số lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 65%. Tại tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình với lưu lượng phương tiện khoảng 60.000 lượt xe/ngày đêm cũng chỉ có khoảng 1/3 số phương tiện qua trạm sử dụng dịch vụ ETC hay tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tỉ lệ xe sử dụng dịch vụ thu phí ETC chỉ khoảng 25%. Tình trạng phương tiện chưa dán thẻ đi vào làn ETC gây ùn tắc giao thông vẫn thường xảy ra.
Để phát huy hiệu quả, lợi ích thiết thực trong việc sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT và các cơ quan liên quan phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần ưu tiên giải quyết.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo nhà đầu tư các dự án BOT, các nhà cung cấp dịch vụ khẩn trương lắp đặt thiết bị thu phí điện tử không dừng đối với các làn thu phí còn lại; bảo đảm mỗi trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp theo đúng quy định tại Quyết định 19/2020 ngày 17-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ và phải hoàn thành trong quý I/2022. Đến tháng 6-2022, đạt tối thiểu 90% phương tiện giao thông thuộc đối tượng thu phí được dán thẻ ETC.
Triển khai nhiệm vụ này, Bộ GTVT đã thống nhất đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng. Từ ngày 5-5, tuyến cao tốc này từ chối ôtô không dán thẻ ETC qua trạm. Đây cũng là tuyến đường đầu tiên tại Việt Nam không thu phí thủ công.
Trạm thu phí trên cao tốc Hạ Long - Hải PhòngẢnh: VĂN DUẨN
Thiếu chế tài
Sáng 19-1, ghi nhận tại trạm thu phí An Sương - An Lạc (quận Bình Tân) cho thấy, dù tại đây có 8 làn triển khai thu phí ETC ở 2 chiều nhưng nhiều tài xế vẫn trả tiền, chờ xé vé. Mỗi lượt thu phí thủ công mất gần 1 phút, chỉ có 1/3 số lượt phương tiện sử dụng thẻ ETC để qua trạm.
Đang chờ để dán thẻ ETC tại trạm thu phí này, anh Nguyễn Văn Đông (huyện Hóc Môn), cho biết do sắp chở vợ con về quê ở Bến Tre, ngại đi đường kẹt xe, nhất là ở trạm thu phí nên anh tranh thủ dán thẻ ETC. "Xe cá nhân, ít đi xa nên trước giờ tôi chưa dán thẻ vì dán thẻ phải mở tài khoản, cho tiền vào, hơn nữa có dán thẻ đến trạm không dừng cũng phải chờ các phương tiện không dán thẻ đi trước, cũng như không. Tuy nhiên, nghe thông tin sắp tới sẽ xử phạt những xe không dán thẻ ETC khi qua trạm thu phí không dừng nên tôi tranh thủ đi dán" - anh Đông cho biết.
Lý giải nguyên nhân chưa dán thẻ ETC, anh H., tài xế chạy xe thuê cho 1 cơ sở ở quận Bình Tân, cho rằng cánh tài xế thường thích trả tiền tươi và yêu cầu chủ xe thanh toán hơn là nạp tiền vào tài khoản. Anh H. cho biết khi thanh toán tiền tươi, tài xế có "chút tiền cà phê" nếu đi qua nhiều trạm.
Tương tự, tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức), lượng phương tiện sử dụng thẻ ETC chỉ khoảng 30%. Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII), đơn vị quản lý trạm thu phí xa lộ Hà Nội, cho biết hiện nay, chưa có chế tài đối với chủ phương tiện không dán thẻ ETC. Khi xảy ra ùn ứ ở trạm thu phí thì lực lượng chức năng yêu cầu xả trạm, chưa phát huy hiệu quả của thu phí không dừng.
Bảo đảm thuận tiện, lợi ích
Các chuyên gia giao thông cho rằng có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chủ xe không dùng ETC: Làn thu phí thủ công tại các trạm BOT vẫn còn quá nhiều, thu phí không dừng vẫn thiếu tính năng liên kết với tài khoản ngân hàng.
Theo GS-TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường ĐH GTVT, để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ETC, trước hết các nhà cung cấp dịch vụ phải chứng minh dịch vụ của mình bảo đảm thuận tiện, lợi ích cho người sử dụng; khẩn trương khắc phục triệt để những bất cập trong vận hành hệ thống.
Bình luận (0)