Tại hội thảo tìm các giải pháp giải tỏa ách tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), tổ chức ở TP HCM ngày 7-11, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cấp thiết phải mở rộng sân bay này. Tuy nhiên, mở thế nào, phạm vi tới đâu và có xung đột với quy hoạch các dự án khác hay không, lại gây nhiều ý kiến trái chiều.
Mở đường qua đất quốc phòng
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, nhìn nhận sân bay TSN đang phải chịu áp lực rất lớn của cả một vùng đô thị theo hướng Đông Bắc - Tây Nam nhưng hạ tầng giao thông lại không bảo đảm. Việc mở rộng sân bay TSN rất cấp thiết trong bối cảnh sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) chưa được xây dựng.
Với những giải pháp như xây cầu vượt, mở rộng đường khu vực xung quanh sân bay, theo ông Cương, TP HCM bắt buộc phải giải tỏa các khu dân cư với chi phí đền bù rất lớn. Trong khi đó, thực tế thì nhiều dự án dù đã hoàn thành nhưng không thể giải quyết căn cơ, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, mang tính cục bộ. Vì vậy, trước mắt, TP có thể mượn đường hoặc đổi đất để có đường qua đất quốc phòng tại phía Nam sân bay.
Đường Trường Sơn - tuyến đường duy nhất ra vào sân bay Tân Sơn Nhất - đã quá tải trầm trọng
Ông Cương cho rằng rất cần thiết phải mở đường song hành với đường Cộng Hòa vì biện pháp này không chỉ giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay TSN mà còn bảo đảm nhu cầu đối ngoại giữa TP HCM với khu vực Tây Bắc và kết nối với Campuchia. Phương án này có khả năng phải giải tỏa một số hộ dân thuộc đất quốc phòng đã dân sự hóa hoặc lấn một phần vào đất sân bay. "Nếu được Bộ Quốc phòng đồng ý hoán đổi đất trên toàn tuyến thì đây sẽ là giải pháp ổn định, hiệu quả cho sự phát triển của TP HCM cũng như an ninh quốc phòng" - ông Cương nhìn nhận.
Một giải pháp khác là TP HCM có thể mượn đường qua doanh trại Quân khu 7, nối từ giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ qua doanh trại này để vào đường Nguyễn Thái Sơn và Phạm Văn Đồng. Giải pháp này không tốn chi phí đền bù, không phải giải tỏa mặt bằng rất lớn trên các đường Phổ Quang, Nguyễn Văn Trỗi mà còn giải quyết được tình trạng ùn tắc trên đường Trường Sơn.
TS Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế - đô thị, ủng hộ phương án mở tuyến đường song song với đường Cộng Hòa để phá vỡ thế độc đạo của đường Trường Sơn bởi giải pháp này có thể làm ngay, khoảng 18 tháng là hoàn thành. Tuyến đường song hành này sẽ kết nối với nhà ga lưỡng dụng T3 ở phía Nam, giúp nâng công suất của sân bay lên khoảng 50 triệu lượt khách/năm.
Theo ông Nam, sân bay TSN hoàn toàn có thể mở rộng và kết nối giao thông ở phía Bắc, giúp nâng công suất lên lên 60 triệu lượt khách/năm bởi diện tích đất quốc phòng khu vực này còn rất lớn (trong đó bao gồm cả sân golf). Tuy nhiên, nếu thực hiện, việc đầu tư hạ tầng giao thông khu vực này sẽ vô cùng lớn, hầu như phải đầu tư mới hoàn toàn.
Thu phí các xe "quá cảnh" qua đường Trường Sơn
Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng nguyên nhân lớn nhất gây ùn tắc giao thông khu vực sân bay TSN là do đường Trường Sơn - độc đạo ra vào sân bay - đang quá tải.
Ùn tắc ở tuyến đường này không phải do lượng xe ra vào sân bay mà chủ yếu do số phương tiện "mượn đường". Theo đó, 70% xe 2 bánh và 62% xe 4 bánh lưu thông trên đường Trường Sơn nhưng lại không vào sân bay. Do đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng việc đầu tiên phải tìm cách "cứu" đường Trường Sơn bằng cách áp dụng thu phí tạm thời ở 2 đầu đường với tất cả các loại ô tô. Tuy nhiên, chỉ áp dụng cho đối tượng "mượn đường", còn những phương tiện ra vào sân bay TSN sẽ được hoàn tiền quay ra.
Theo ông Nguyên, giải pháp này nếu thực hiện sẽ làm giảm đáng kể số lượng xe lưu thông trên đường Trường Sơn nhưng không vào sân bay TSN. Hiện có 22 dự án đã và đang thực hiện để giải quyết ùn tắc xung quanh sân bay. Khi những dự án này phát huy được khả năng, phá thế độc đạo của đường Trường Sơn thì sẽ dừng biện pháp thu phí.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết TP vẫn đặt mục tiêu là khai thác tối đa hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu. Sở sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến trên và nghiên cứu để ưu tiên những giải pháp khả thi nhất.
Đầu tư hệ thống tàu điện
Theo TS Phạm Văn Hùng (Phó Phân Viện trưởng Phân viện Khoa học - Công nghệ Giao thông Vận tải phía Nam), để phá vỡ thế độc đạo đường Trường Sơn, TP HCM nên nhanh chóng hoàn thiện đồng bộ các tuyến đường vành đai sân bay TSN, kết hợp nhà ga cùng việc đầu tư hệ thống monorail (tàu điện). Việc xây dựng hệ thống monorail là giải pháp hữu hiệu vì không chiếm dụng nhiều diện tích đất mà còn giúp tăng sự kết nối của hệ thống giao thông công cộng tại khu vực này. Ngoài ra, có thể giảm ùn tắc bằng cách kiểm soát, điều chỉnh lại các khung giờ cao điểm giữa sân bay và bên ngoài, tăng khả năng thông xe...
Bình luận (0)