Tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã chính thức khai thác, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC). Bắt đầu từ ngày 1-8, các xe vào đường cao tốc mà không dán thẻ sẽ bị xử phạt 2-3 triệu đồng/xe.
Trạm thu phí Long Phước (cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) ngày đầu triển khai hệ thống thu phí không dừng. Ảnh: QUỐC ANH
Người dân ủng hộ
Ngày 26-7, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư) cùng nhà thầu đưa vào vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng tại 3 trạm thu phí Long Phước, Quốc lộ 51 và Dầu Giây của tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ghi nhận tại trạm Long Phước có xảy ra ùn ứ cục bộ, một phần là do tài khoản thanh toán của nhiều tài xế không đủ tiền hoặc chưa dán thẻ nên khi qua trạm phải mất thời gian trả tiền mặt.
Tại trạm thu phí, nhân viên tuyên truyền, hướng dẫn chủ phương tiện lập tài khoản thanh toán và dán thẻ xe miễn phí (việc dán miễn phí sẽ được VEC và Công ty TNHH Thu phí tự động VETC áp dụng đến hết tháng 7-2022).
Trong lúc chờ nhân viên hỗ trợ, ông Trương Đức Cường (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết: "Tôi nghe việc áp dụng thu phí không dừng trên đường cao tốc đã lâu. Tôi ủng hộ chủ trương áp dụng thu phí không dừng. Việc này vừa tiện lợi cho mọi người mà nhà nước cũng không thất thoát tiền thu phí. Thời gian tới sẽ không còn ùn ứ tại các trạm thu phí, ai cũng mong muốn thông thương, đi du lịch… thuận lợi".
Trong khi đó, ông Phạm Viết Hùng (chủ một doanh nghiệp) bày tỏ băn khoăn nếu phải đăng ký tài khoản thanh toán cho gần 20 xe của doanh nghiệp mình: "Xe cho người ta thuê nên họ chịu phí cầu đường. Nếu tạo một tài khoản để thanh toán cho bấy nhiêu xe thì rất phức tạp, tốn thêm nhân sự theo dõi tiền trong tài khoản để khấu trừ với khách sau này". Tuy nhiên, sau khi được nhân viên tư vấn, hướng dẫn, ông mới biết mỗi xe được đăng ký 1 tài khoản giao thông để nộp tiền và thanh toán độc lập, thuận tiện.
Nhân viên tại trạm hướng dẫn và dán thẻ xe cho tài xế. Ảnh: QUỐC ANH
Nhanh, tiện, hiệu quả
Ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng Giám đốc VEC, cho biết cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến giao thông huyết mạch nên áp lực về công tác vận hành rất lớn, nhất là khi lượng phương tiện tăng đột biến trong các cao điểm lễ, Tết. Việc đưa ETC vào sử dụng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng nhằm rút ngắn thời gian qua trạm từ 36-72 giây (hình thức thu phí một dừng trước đây) còn 6-12 giây. Tốc độ phương tiện qua trạm theo đó tăng gấp 6-7 lần, góp phần giải tỏa tình trạng ùn ứ, chờ đợi khi qua trạm.
Cũng theo lãnh đạo VEC, hiện nay số lượng xe chưa dán thẻ còn khá lớn (hơn 40%) nên với các xe lỡ vào đường cao tốc mà không đủ điều kiện thì vẫn được tạo điều kiện một lần. Hệ thống thu phí tự động sẽ lưu biển số này lại, lần sau nếu vẫn tiếp tục thì hệ thống sẽ báo động và xe bị xử phạt vào đường cao tốc mà không dán thẻ hoặc thẻ không có tiền. "Chúng tôi không thể nhân nhượng mãi việc các xe không dán thẻ đi vào đường cao tốc. Mọi người cùng chấp hành để chúng ta có được tuyến cao tốc mà nó chạy đúng nghĩa về cao tốc, những người có thẻ ETC đi được đúng các tiêu chuẩn ETC" - ông Nguyễn Văn Nhi nói.
Về thắc mắc của người dân, doanh nghiệp rằng dán thẻ Etag của VETC có qua được tất cả trạm thu phí trên toàn quốc không, bởi ngoài thẻ Etag còn có thẻ ePASS của Công ty CP Giao thông số Việt Nam phát hành. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Nhi cho biết 2 loại thẻ đều được Bộ Giao thông Vận tải đấu thầu và do 2 nhà đầu tư phát triển dịch vụ. "Người dân hãy yên tâm vì chỉ cần dán 1 loại thẻ là được chạy qua tất cả trạm thu phí trên cả nước vì 2 thẻ liên kết với nhau. Hai trung tâm thanh khoản sẽ tự động trừ tiền ở thẻ và chuyển tiền cho nhau, bảo đảm đối chiếu, kiểm soát không mất đồng nào cả" - Phó Tổng Giám đốc VEC nói.
Theo tìm hiểu, đến nay, các tuyến cao tốc trong cả nước đã thực hiện hoặc đang ráo riết chuẩn bị các công tác cho việc triển khai ETC. Trong đó, từ ngày 22-7, 3 trạm thu phí trên tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình với 28 làn chỉ thu phí ETC. Ngày 30 và 31-7, việc này áp dụng tại 2 tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Nội Bài - Lào Cai...
Với đường cao tốc Liên Khương - Prenn, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, vừa ký công văn hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai thực hiện ETC tại trạm thu phí Định An nằm trên đường cao tốc này.
Theo ông Phạm S, TP Đà Lạt đang vào mùa cao điểm du lịch nên việc triển khai ETC hạn chế tối đa việc ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông, an ninh trật tự tại trạm thu phí và đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với các phương tiện ôtô trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị được yêu cầu xây dựng phương án tổ chức giao thông và xử lý các tình huống có thể xảy ra. Rà soát, khắc phục các tồn tại, lỗi kỹ thuật của hệ thống thu phí điện tử không dừng, bảo đảm hạn chế tối đa lỗi trong quá trình triển khai, nhất là lỗi nhận diện thẻ định danh.
Treo băng-rôn, pa-nô tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho người dân, du khách biết dán thẻ tại chỗ ở 2 đầu trạm thu phí, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện; bổ sung các điểm dán thẻ tại khu vực đầu và cuối tuyến cao tốc Liên Khương - Prenn… cũng là 2 trong số những đầu việc quan trọng UBND tỉnh Lâm Đồng giao các đơn vị.
Cố tình vi phạm sẽ bị từ chối phục vụ
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho hay đến nay, các tuyến của VEC đã lắp đặt xong, bảo đảm đến ngày 1-8, mọi đường cao tốc sẽ chỉ thu phí ETC. "Trường hợp do chưa biết đến chủ trương, không đủ điều kiện vẫn đi vào đường cao tốc, đơn vị quản lý tuyến sẽ linh hoạt cho phép lưu thông lần đầu, trả tiền mặt. "Nếu đến lần thứ 2 vẫn tái phạm, hệ thống sẽ ghi nhận và đưa vào "danh sách đen", phương tiện bị từ chối phục vụ, kể cả khi sang cao tốc khác" - ông Toàn cho hay.
Theo quy định hiện hành, xe có dán thẻ ETC nhưng số tiền trong tài khoản không đủ để trả phí mà vẫn cố tình đi, tài xế sẽ bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo VEC, các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng quy chế phối hợp cũng như xây dựng kịch bản các tình huống có thể xảy ra trong quá trình vận hành, khai thác, trong đó có việc huy động tối đa nhân lực bảo đảm xử lý kịp thời các lỗi, bảo đảm giao thông, giúp chủ phương tiện dán thẻ, nạp tiền...
V.Duẩn
Phà "tắc" vì cao tốc "kẹt"
Trong ngày đầu, nhiều người lạ lẫm với thu phí ETC trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhiều tài xế lường trước việc sẽ kẹt xe nên không qua tuyến này mà chọn qua phà Cát Lái (TP Thủ Đức, TP HCM) khiến lượng ôtô tập trung ở khu vực phà tăng đột biến. Có thời điểm ôtô xếp hàng dài hơn 500 m trên đường Nguyễn Thị Định để chờ qua phà.
Tài xế Văn Toàn (ngụ tỉnh Bình Dương) nói khi nghe tin tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây bị kẹt xe nên anh quyết định di chuyển theo hướng phà Cát Lái qua Đồng Nai và... "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa".
Ý Linh
Bình luận (0)