Với đam mê lan tỏa văn hóa đọc, sau hơn 10 năm miệt mài, lặn lội sưu tầm, kiên trì vận động, cụ Đào Quang Huy- người "Thủ thư làng" nay ở tuổi 90 đã gây dựng được thư viện cộng đồng xã với cả vạn đầu sách; tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, góp phần lan tỏa tình yêu sách đến nhân dân trong và ngoài xã, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh.
Một đời đam mê với sách
Sinh năm 1933 tại thôn Song Khê (xã Song Khê, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), từ nhỏ, cụ Huy đã ham đọc sách. Nghỉ hưu sau nhiều năm dạy học, cụ Huy vẫn giữ niềm đam mê với sách.
Vào năm 2012, thôn Song Khê 1 thành lập câu lạc bộ dành cho những người trung và cao tuổi, địa điểm sinh hoạt được đặt tại dãy nhà cấp 4, ngay sát cạnh nhà cụ Huy. Thời điểm đó, cụ Huy nhận nhiệm vụ trông coi phòng thư viện tại đây, lúc đó cụ đã 80 tuổi. Sau đó, UBND xã Song Khê có quyết định thành lập Thư viện cộng đồng xã Song Khê. Cụ Huy tình nguyện làm đơn xin được làm thủ thư trước sự ngạc nhiên của mọi người.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cùng các cơ quan, đơn vi thăm Thư viện cộng đồng xã Song Khê và chụp ảnh lưu niệm với thủ thư Đào Quang Huy
Nói về quyết định này, cụ Huy tâm sự: "Thời điểm đó, bản thân tôi nhận thấy việc đọc sách báo của người dân và các cháu thiếu nhi chưa được quan tâm. Lo lắng hơn là nhiều thanh thiếu niên trong xã không ham học, chỉ chăm chú chơi game online mà không dành thời gian trau dồi kiến thức, tu dưỡng tâm hồn. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để khơi dậy văn hóa đọc cho mọi người và quyết định đảm nhận công việc này".
Tuy có thư viện song số lượng đầu sách rất ít, không thu hút độc giả. Với chiếc xe đạp cũ, cụ Huy đã rong ruổi khắp nơi tìm mua sách báo cũ. "Tôi thường đến các điểm thu mua phế liệu trên thành phố để tìm sách. Trẻ em thành phố có điều kiện mua nhiều sách, truyện để đọc, cũ thì chúng bán cho cửa hàng phế liệu. Thấy tôi già vẫn ham tìm sách, đọc sách, nhiều người bán rẻ theo cân, thậm chí biếu hàng trăm quyển" - cụ Huy cho biết.
Cụ Đào Quang Huy hướng dẫn các em học sinh chọn sách tại Thư viện cộng đồng xã Song Khê
Để làm phong phú số lượng đầu sách cũng như xây dựng cơ sở vật chất cho thư viện, cụ Huy còn vận động các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài xã, đặc biệt là những thầy cô giáo đã nghỉ hưu, Thư viện tỉnh ủng hộ, hỗ trợ bàn ghế, giá để sách báo. Đáng quý hơn, cụ đã sử dụng một phần nguồn tiền lương hưu ít ỏi của mình để mua một số dụng cụ cần thiết phục vụ thư viện, bổ sung đầu sách.
Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi trong hơn 10 năm, cụ Huy đã gây dựng và phát triển thư viện cộng đồng xã Song Khê với 13.000 đầu sách.
Lan tỏa văn hóa đọc tới người khiếm thị
Hiện nay, sách trong thư viện của cụ Huy rất phong phú, đa dạng với nhiều thể loại, lĩnh vực, trong đó có nhiều cuốn sách được trang bị theo đề án sách xã, phường, thị trấn; các sách chính trị, văn hóa - xã hội, tôn giáo, sức khỏe; sách tham khảo dành cho học sinh; sách và các ấn phẩm dành cho thiếu niên, nhi đồng... đặc biệt là sách dành cho người khiếm thị. Thư viện cộng đồng xã Song Khê hiện có hơn 300 bản sách chữ nổi, trong đó nhiều nhất là tạp chí "Đời mới" do Hội Người mù Việt Nam phát hành. Ngoài ra thư viện còn có gần 100 đĩa thu thanh dành cho người khiếm thị.
Thư viện thường xuyên đón những độc giả đặc biệt là những người khiếm thị đến đọc tại chỗ hoặc mượn sách về nhà đọc; từ đó giúp họ có thêm tri thức, thêm lạc quan, thấy cuộc sống tươi đẹp, ý nghĩa hơn. Ông Nguyễn Khắc Do (SN 1948- độc giả trung thành của thư viện là một điển hình. Là thương binh nặng, hỏng hoàn toàn đôi mắt, hằng ngày, ông Nguyễn Khắc Do vẫn đến thư viện cộng đồng xã để đọc sách chữ nổi, truyền cảm hứng yêu sách cho những người xung quanh.
Năm 2011, Chi hội Người mù liên xã Song Khê-Đồng Sơn-Tân Mỹ được thành lập với hơn 10 hội viên do ông Do làm chi hội trưởng; hầu hết là thương binh nặng, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Với mong muốn tiếp tục mở mang trí tuệ, cập nhật kiến thức, suốt thời gian dài, ông Do lên Hội Người mù tỉnh mượn nhiều sách chữ nổi về đọc.
Năm 2012, khi Thư viện cộng đồng xã Song Khê thành lập, cụ Đào Quang Huy - phụ trách thư viện đã liên hệ với Hội Người mù tỉnh và thành phố mượn sách chữ nổi để phục vụ người khiếm thị. Cụ Huy cho biết cụ rất vui khi được đón tiếp những độc giả như ông Do. Vì thế, mỗi lần hội người mù cấp trên có sách, tài liệu chữ nổi mới, cụ lại mượn về phục vụ những độc giả đặc biệt. Ồng Do tâm sự, từ đọc sách chữ nổi, ông biết thêm nhiều nhân vật lịch sử; các di sản văn hóa đặc sắc. Từ những kiến thức đã đọc, ông tóm tắt, kể lại cho hội viên nghe tại các buổi sinh hoạt, qua đó động viên nhau vượt qua khó khăn, lan tỏa thói quen đọc sách tới nhiều người.
Nhiều độc giả cao tuổi tìm đến thư viện cộng đồng xã Song Khê đọc sách
Không còn phải đi xa, các hội viên khiếm thị đến thư viện đều đặn hơn. Đến đây, ngoài mượn, đọc sách chữ nổi, mọi người còn chia sẻ với nhau những kỷ niệm của đời lính, cuộc sống gia đình, động viên nhau sống vui, sống khỏe, sống có ích. "Lan tỏa văn hóa đọc, mang niềm vui, tri thức tới những người khiếm thị khiến tôi rất vui. Điều đó lại giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục cống hiến, mặc dù tuổi đã cao"- ông Đào Quang Huy bộc bạch.
Còn khỏe là còn cống hiến
Bên cạnh việc lặn lội sưu tầm, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ sách cho thư viện xã, cụ Đào Quang Huy luôn trăn trở làm thế nào để phát triển độc giả cho thư viện của mình, đưa sách đến với bạn đọc trong và ngoài xã.
Nghĩ là làm, cụ Huy lại đạp xe đến các trường trong xã nhờ hiệu trưởng, thầy cô giới thiệu cho học sinh đến thư viện đọc sách, mượn sách miễn phí. Ban đầu, thấy học sinh không mấy mặn mà, ít đến, cụ tiếp tục đạp xe đến trường, xin vào từng lớp học để động viên các cháu đến thư viện. Các cháu đến thư viện lại rủ thêm các bạn khác, dần dần, thư viện cộng đồng xã Song Khê đã trở thành điểm đến quen thuộc của các học sinh những lúc rảnh rỗi.
Lượng độc giả thường xuyên của thư viện không chỉ có các cháu học sinh trong xã và các xã lân cận mà còn có rất nhiều người đọc trung thành là người dân trong xã, có cả những công nhân thuê trọ tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Kể từ khi được thành lập, thư viện đã đón hàng nghìn độc giả đến đọc và mượn sách.
Thư viện cộng đồng được cụ Huy bố trí rất khoa học, ngăn nắp. Những loại sách dùng trong nhà trường như sách giáo khoa, sách ôn thi, cụ Huy thường tặng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Những năm qua thư viện xã Song Khê đã cung cấp cho thư viện trường Tiểu học và THCS của xã trên 500 đầu sách.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ vì văn hóa đọc, cụ Đào Quang Huy được các cháu học sinh, người dân yêu quý, kính trọng và hết lòng cổ vũ, ủng hộ. Cụ đã nhiều lần được nhận giấy khen, bằng khen của tỉnh, của Trung ương.
""Còn khỏe ngày nào, tôi nguyện làm thủ thư để phục vụ nhân dân, để cống hiến cho văn hóa đọc thêm ngày đó. Trong thời gian tới, tôi mong muốn địa phương tiếp tục giúp đỡ công tác tuyên truyền, giới thiệu sách của thư viện đến với người đọc bằng nhiều hình thức. Cá nhân tôi tiếp tục đi vận động ủng hộ và đề nghị các cấp chính quyền bổ sung thêm các loại sách mới, tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng tốt hơn nhu cầu bạn đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc của địa phương"- cụ Huy chia sẻ về dự định sắp tới.
Giờ nào cũng sẵn lòng
Lịch mở cửa thư viện từ 7 giờ 30 phút - 17 giờ vào ngày thứ ba, thứ năm và chủ nhật hằng tuần, phục vụ bạn đọc tại chỗ và mượn về. Vào thời điểm khác, nếu ai có nhu cầu, chỉ cần gọi cổng hay gọi điện, cụ cũng sẵn sàng phục vụ. Nhiều cụ già trong xóm sức yếu, không đến được thư viện, cụ đạp xe mang sách đến tận nơi. Cụ Huy tâm sự, có những hôm nhà tổ chức tiệc liên hoan, con cháu sum họp, đang ăn cơm, có độc giả muốn mượn sách, cụ sẵn sàng bỏ bát để ra mở cửa dù không phải là ngày thư viện mở cửa. Nhiều hôm thời tiết thay đổi, người mỏi mệt song cụ vẫn chống gậy ra thư viện để phục vụ bạn đọc dù người thân trong gia đình khuyên ngăn.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)