.Phóng viên: Thưa ông, đến thời điểm này đã có thể nói gì về những kinh nghiệm rút ra trong đợt dịch thứ 2 này?
- Thứ trưởng NGUYỄN TRƯỜNG SƠN: Phải nói là ở đợt dịch thứ hai này, những chỉ đạo của Thủ tướng được triển khai hết sức quyết liệt. Sau khi công bố thực hiện giãn cách xã hội, đầu tiên phải thực hiện công tác triển khai quyết liệt trong toàn cộng đồng, đó là phát hiện và cách ly sớm. Phát hiện bằng cách xét nghiệm, năng lực xét nghiệm được tăng lên đáng kể; truy vết những trường hợp nghi ngờ về từ ổ dịch, đi từ vùng dịch tễ về; thực hiện tổ chức cách ly tại nơi cư trú, tại cơ sở tập trung và tại cơ sở y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (đứng thứ 2, phải qua) chỉ đạo chống dịch tại Đà Nẵng. Ảnh: BÍCH VÂN
Thứ hai là trong đợt này, tổ công tác Covid-19 cộng đồng được triển khai rộng rãi, đó là nhóm tuyên truyền, giám sát dịch tễ cộng đồng. Quảng Nam có hơn 5.000 tổ, Đà Nẵng hơn 3.000 tổ với phương châm "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng", xem việc giãn cách xã hội đúng hay không, nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ thì báo nhân viên y tế đến tư vấn và theo dõi.
Về điều trị, đợt này có những phương pháp khác biệt so với đợt trước vì ổ dịch xảy ra tại một cơ sở y tế và cơ sở này nhanh chóng được cách ly, phong tỏa. Sự tập trung nhân lực y tế về Đà Nẵng được triển khai rất quyết liệt và nhanh chóng. Đầu tiên là Bệnh viện (BV) Trung ương Huế tiếp nhận những trường hợp nặng, Covid-19 dương tính từ BV Đà Nẵng chuyển ra. Đà Nẵng đã triển khai các biện pháp rất quyết liệt trong thời gian rất ngắn, 3 ngày đã thành lập BV dã chiến ở Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, thành lập Khoa Hồi sức cấp cứu ở BV Phổi Đà Nẵng... Sau đó, 2 cơ sở này trở thành chủ lực để tiếp nhận bệnh nhân dương tính Covid-19, kể cả bệnh nhân chạy thận nhân tạo, bệnh nhân nặng phải hồi sức. Những bác sĩ ở các BV lớn đã đến Đà Nẵng hỗ trợ nên đợt này các hoạt động của ngành y tế mang tính chất tổng lực, phối hợp đem lại hiệu quả rất tốt.
.Chúng ta đã nâng cao năng lực xét nghiệm và điều trị như thế nào, thưa ông?
- Đối với vùng tâm dịch thì năng lực xét nghiệm tăng lên rất rõ. Đà Nẵng lúc đầu chỉ 2 đơn vị có thể triển khai xét nghiệm nhưng với sự giúp đỡ của Viện Pasteur TP HCM, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur Nha Trang, chúng tôi đã triển khai thêm được những cơ sở như BV 199, BV C Đà Nẵng đã làm được xét nghiệm đạt chuẩn và có quyền công bố.
Tại Đà Nẵng, trước ngày 23-7 chỉ làm chưa đến 1.000 xét nghiệm nhưng sau 1 tuần đã có thể thực hiện từ 8.000-10.000 xét nghiệm và hiện có thể làm 15.000 xét nghiệm/ngày. Ở Quảng Nam, từ chỗ năng lực xét nghiệm chưa đến 1.000 nhưng hiện nay đã làm được 6.000-7.000/ngày trên toàn tỉnh với những cơ sở mới như Trường ĐH Phan Châu Trinh, BV Đa khoa Quảng Nam, BV Quân Đội. Đây là sự vào cuộc rất mạnh mẽ của nhiều đơn vị. Năng lực phát triển nhanh chóng có được từ sự đầu tư của chính quyền và sự giúp đỡ, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của các viện, BV trung ương; thẩm định, đánh giá nhanh gọn, đầy đủ tiêu chuẩn là công nhận tại chỗ. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất sinh phẩm đã hỗ trợ hết mình.
.Ông đánh giá thế nào về các đội phản ứng nhanh tinh nhuệ?
- Các đội phản ứng nhanh và tinh nhuệ ở các BV chi viện hỗ trợ các tỉnh có dịch là những anh chị em trẻ, giỏi và rất chuyên nghiệp. Họ là những người có tinh thần làm việc nhóm rất cao, đến từ nhiều vùng, miền của đất nước. Bên cạnh đó, tinh thần làm việc phải nói là rất đáng ca ngợi, thực hiện nghiêm túc lệnh điều động từ lãnh đạo Bộ Y tế, sở y tế; đây là tinh thần rất quý giá trong đợt dịch này.
Ngoài ra, sự tạo điều kiện của ngành y tế Đà Nẵng cũng là nền tảng rất cần thiết để các đội phản ứng nhanh phục vụ nhân dân được chủ động, được quyền đề xuất và được đáp ứng, tạo được những thành quả quý giá. Ngoài những bệnh nhân tử vong do có bệnh nền nặng, không trở tay kịp nên rất đáng tiếc thì nhìn chung chúng ta đã đạt được sự thành công rất lớn.
Điều quan trọng nữa để đạt được hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch đó là sự hỗ trợ của cộng đồng. Các doanh nghiệp và hội doanh nhân đã tặng hơn 40 máy chạy thận nhân tạo, tặng máy thở thế hệ mới nhất. Bên cạnh đó là có sự điều phối của Bộ Y tế về trang thiết bị để tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho các cơ sở; việc điều động này rất kịp thời và trong thời gian cực ngắn, là cơ hội cho các bác sĩ làm vũ khí chiến đấu chống Covid-19.
Bình luận (0)