Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đến nay các bộ, ngành còn nợ đọng 14 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, trong đó có 6 văn bản nợ quá lâu, quá chậm. Có văn bản quá hạn 8 tháng. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao các bộ, ngành đã cắt giảm 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt bỏ hơn 6.776/9.926 thủ tục hành chính. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng việc đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn hình thức...
Thực tế, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kiểm tra chuyên ngành còn nhiều. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 355 văn bản quy phạm về quản lý kiểm tra chuyên ngành là rất rộng, rất khó cho doanh nghiệp (DN) trong việc tra cứu, xem xét, cập nhật tài liệu. Đặc biệt, vẫn còn không ít trường hợp chồng chéo khi hàng hóa phải cùng lúc thực hiện nhiều thủ tục, nhiều hình thức quản lý kiểm tra chuyên ngành do nhiều đơn vị cùng một bộ hoặc nhiều bộ quy định.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhấn mạnh có một khúc đang tắc là đầu tư tạo tài sản, tạo năng lực sản xuất, liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch… "Đầu tư tạo tài sản rất quan trọng, phát triển dài hạn nằm ở đây. Trong khi các luật chồng chéo, mâu thuẫn, khác nhau dẫn đến DN làm kiểu gì cũng sai, vì đúng ông này thì sai ông kia" - ông Cung lo ngại và còn cho biết "nhiều chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh nói cứ lên bộ là rất sợ, vì không biết bao giờ mới xong, gặp ai cho đúng… Họ than trên nóng, dưới nóng nhưng giữa chưa nóng".
Bà Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), cũng chỉ ra rằng còn có sự thiếu thống nhất trong thực hiện các thủ tục hành chính. Chẳng hạn thủ tục cấp giấy chứng nhận thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc đang bộc lộ nhiều quy định chưa rõ, chưa thống nhất nên mỗi tỉnh vận dụng một cách khác nhau và bản thân các tỉnh cũng không biết thế nào là đúng…
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị trước quý III các bộ, ngành phải rà soát cắt bỏ các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, không đưa định tính chung chung để tạo kẽ hở cho tiêu cực, tham nhũng vặt. Kết quả kiểm tra cắt, giảm sẽ được tổng hợp, báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 sắp diễn ra.
Vẫn trái chiều về Thông tư 21
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu Thông tư 21 được Bộ Công Thương ban hành liên quan quy định về kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm trên các sản phẩm dệt may khiến nhiều DN may mặc phân tâm. Cả nước có 6.000 DN dệt may. Trong đó, tỉ lệ vi phạm về kiểm tra formaldehyde rất nhỏ, mà lại kiểm tra 100% các DN xuất nhập khẩu mặt hàng này. Có thể thay đổi phương thức kiểm tra như phân luồng xanh, đỏ, vàng... cho phù hợp không? Cùng vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng đây là quy định tạo nên một rào cản kỹ thuật ngăn chặn hàng nhập khẩu và rất không phù hợp. Nếu vì mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng thì cần quản lý từ gốc chứ không phải là ở khâu ngọn - phân phối sản phẩm. Không nên tiếp tục hình thức kiểm tra theo lô như hiện nay.
Trước ý kiến hai bên về Thông tư 21, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý Bộ Công Thương nghiên cứu để có cách thức quản lý sao cho thuận lợi.
Bình luận (0)