Sáng nay 7-11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành và các tỉnh miền Trung.
Thủ tướng chủ trì họp về sạt lở bờ biển 13 tỉnh miền Trung
Đây là cuộc làm việc thứ 3 về sạt lở đất thời gian qua do Thủ tướng chủ trì sau các cuộc làm việc với các tỉnh miền Bắc, miền Nam.
Thủ tướng cho biết cuộc làm việc sẽ đánh giá, nhìn nhận một cách tổng quát về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông, khiến tàu thuyền đi lại khó khăn, từ đó, có các giải pháp công trình, phi công trình mang tính lâu dài. Còn trước mắt, theo Thủ tướng, sẽ quyết định khoản kinh phí cần thiết để hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung giải quyết vấn đề cấp bách.
Thủ tướng cho biết trong chuyến thăm và làm việc tại châu Âu vừa qua, Thủ tướng đã có cuộc tiếp một tập đoàn lớn của Hà Lan, họ đã nghiên cứu một giải pháp làm đê mềm phía ngoài, tạo cảnh quan môi trường, đầu tư bằng hình thức PPP, nhà nước không bỏ nhiều vốn. Từ đó, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh quan tâm giải quyết các công việc trước mắt thì cần tính toán giải pháp tổng thể, căn cơ lâu dài.
Nêu rõ vai trò của biển đối với sự phát triển, Thủ tướng cho biết 60% GDP của nước ta là từ các tỉnh, thành phố có biển. "Cho nên, chúng ta sống chung với biển, tận dụng cơ hội, bảo vệ biển, bảo vệ môi trường biển rất quan trọng" - ông nói. Thủ tướng nêu rõ dải đất miền Trung hẹp nên việc lấn biển, giữ gìn đất đai, phát triển non sông đất nước rất quan trọng chứ không phải tư duy "hết đất chạy lên núi".
Bên cạnh sự quan tâm của nhà nước, vấn đề xã hội hóa nguồn lực cần đặt ra cho công tác xử lý sạt lở bờ biển, bồi lấp sông. Cần áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, bao gồm vấn đề độ cao của kè, kè mềm, lấn biển, vấn đề bảo vệ môi trường sống, vấn đề đất đai, vấn đề nhấn chìm đất cát đào từ biển...
Nhất trí cho rằng các biện pháp trước mắt phải gắn với lâu dài, Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT chủ trì nghiên cứu tổng thể, "thích ứng, nạo vét như nào, lồng ghép nguồn lực, phân kỳ đầu tư, tính toán lâu dài ra sao…". Cách làm là giao chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng trong quản lý vốn, xử lý thủ tục đầu tư. "Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra chặt chẽ" - Thủ tướng nêu rõ.
"Ông nói công trình này cấp bách, theo Luật Đấu thầu được chỉ định thầu, nhưng chỉ định nhà thầu không biết làm, tiền vào túi cá nhân là thành câu chuyện tiêu cực, tham nhũng trong những dự án thiên tai này là tội ác" - người đứng đầu Chính phủ lưu ý và nhấn mạnh đồng tiền hạt gạo của người dân phải sử dụng đúng mục đích.
Thủ tướng: Tham nhũng trong những dự án thiên tai là tội ác
Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp cùng các bộ liên quan bố trí, phân bổ hợp lý trong tổng nguồn vốn hỗ trợ mà Thủ tướng quyết định cho các địa phương, xếp theo thứ tự ưu tiên và mức độ cấp bách. Bên cạnh nguồn vốn nhà nước, cần huy động xã hội hóa, các nguồn lực quốc tế, các nguồn vốn ODA.
Thủ tướng nêu rõ các cửa sông phải được nạo vét để thông thủy, bảo đảm thuyền qua lại và cuộc sống của người dân, nhất là cửa sông có tàu thuyền đánh cá vào ra nhiều. Về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tăng cường huy động xã hội hóa để hạn chế việc sử dụng ngân sách.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận gồm 13 tỉnh, thành phố có chiều dài bờ biển 1.649 km cùng mạng lưới sông dày đặc với 48 cửa sông lớn, nhỏ đổ ra biển Đông (trung bình 34 km bờ biển có một cửa sông).
Những năm gần đây, đặc biệt từ sau trận mưa lũ lịch sử năm 1999, diễn biến xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông trong khu vực diễn ra rất phức tạp và nghiêm trọng với quy mô, mức độ ngày càng gia tăng. Các địa phương bị xói lở mạnh nhất tập trung ở các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận...
Một đoạn bờ biển Mỹ Khê, Đà Nẵng bị sạt lở, xậm thực nặng hồi tháng 1-2018 - Ảnh: Vĩnh Quyên
Sạt lở bờ biển đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là ở những khu vực xảy ra sạt lở nguy hiểm như sạt lở bờ biển đoạn qua xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế; sạt lở bờ biển Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam; sạt lở bờ biển qua Xóm Rớ, phường Phú Đông và khu vực xã An Phú, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên; sạt lở bờ biển tại các địa phương thuộc huyện Tuy Phong, TP Phan Thiết, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận…
Bên cạnh hiện tượng sạt lở bờ biển, tình trạng bồi lắng các khu vực cửa sông cũng đang diễn ra rất phức tạp, điển hình như Cửa Lạch Vạn, Cửa Lạch Cờn (Nghệ An); Cửa Sót (Hà Tĩnh); Cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình); Cửa Đại (Quảng Ngãi); Cửa Tam Quan, Cửa An Dũ (Bình Định)…
Việc bồi lấp cửa sông ngoài việc ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ, hoạt động giao thông thủy, các cơ sở hạ tầng công cộng, môi trường sinh thái, các hoạt động du lịch mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt việc ra vào tránh trú của tàu thuyền trong mùa mưa bão, trong một số trường hợp đã bị mắc cạn, chìm đắm, thậm chí gây thiệt hại về người.
Theo báo cáo của các địa phương, đến tháng 7-2018, dọc dải bờ biển miền Trung có 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 120 km. Các địa phương mong muốn hỗ trợ kinh phí xử lý sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông đối với 88 điểm này, trong đó, trước mắt tập trung vào 48 điểm cấp bách.
Về bồi lấp cửa sông, có 40 điểm, trong đó các tỉnh đề nghị ưu tiên xử lý khẩn cấp 24 điểm.
Bình luận (0)