Chiều 11-11, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) dẫn ý kiến một số chuyên gia cho rằng cần gói hỗ trợ đủ lớn để hồi phục kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ bằng tiền mặt, gói này có thể tương đương 3-4% GDP. Nhưng mâu thuẫn là nếu gói hỗ trợ lớn thì sẽ tăng nợ, trần nợ công có thể bị vượt, nếu hỗ trợ không đủ lớn thì sẽ khó hồi phục. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào? Câu hỏi này xin gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ" về gói hỗ trợ bằng tiền mặt, làm sao để đủ liều.
Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nếu hỗ trợ tiền mặt, cấp tiền cho người dân thì nguy cơ lớn sẽ rủi ro, làm tăng lạm phát. Quan điểm là ủng hộ nới bội chi và nợ công trong khoảng có thể kiểm soát được vì nếu không nới bội chi và nợ công sẽ khó tăng trưởng, không đạt được mục tiêu, các kế hoạch và chiến lược đặt ra, như vậy ta sẽ bỏ hết các cơ hội từ Cuộc cách mạng 4.0, thời kỳ dân số vàng. Những chuyển dịch, cấu trúc mới đang hình thành cũng sẽ lỡ nhịp, nên nghiên cứu nới nợ công và bội chi, để quy mô GDP lớn lên, thì bội chi và nợ công sẽ giảm xuống, như vậy sẽ là vòng luẩn quẩn.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) cho biết tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV các đại biểu có chất vấn về việc có 162.000 ha đất do người Trung Quốc sở hữu, trong đó có 63.000 ha đất biên giới, vùng biển. Mặt khác có việc người Việt Nam "núp bóng" mua cho người nước ngoài, việc này Bộ KH-ĐT là kiểm soát, kiểm tra như thế nào? Bộ đề nghị Chính phủ vấn đề gì để sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư để kiểm soát vấn đề này?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là vấn đề lớn nhưng thực sự chưa có điều kiện nắm rõ chính xác tình hình thực tế của các địa phương. Tuy nhiên, với trách nhiệm của Bộ, Bộ sẽ nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ để có chính sách theo quy định của pháp luật để quản lý đất đai mà các nhà đầu tư nước ngoài "núp bóng" dưới nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt vùng ven biển, sát biên giới. "Đây là vấn đề nhạy cảm, chúng tôi sẽ nghiên cứu và xin báo cáo Quốc hội sau" - người đứng đầu Bộ KH-ĐT nói.
Dẫn quy định tại Chỉ thị 23 của Thủ tướng về việc yêu cầu phê duyệt quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) cho biết đến nay đã một năm trôi qua mà quy hoạch này vẫn chưa được phê duyệt, vậy nguyên nhân của sự chậm trễ này và thời gian phê duyệt quy hoạch này? Theo báo cáo 243 của Chính phủ về đầu tư công, Chính phủ dự kiến bổ sung 2 tỉ USD cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện chương trình mục tiêu chống biến đổi khí hậu...?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết quy hoạch ĐBSCL là một trong những nội dung quan trọng nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu cùng với việc huy động nguồn lực và cơ chế điều phối liên vùng. Đây là những nội dung được đưa vào Nghị quyết 120.
Về quy hoạch ĐBSCL, Bộ KHĐT đã chủ trì, phối hợp cùng các tư vấn làm bài bản và đã làm xong từ cuối năm 2020. Hiện đang trình Chính phủ và sẽ tổ chức thẩm định, xem xét trong thời gian tới.
Về nội dung bổ sung thêm bổ sung 2 tỉ USD, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ khóa trước đã cam kết ủng hộ cho vùng một khoảng tăng thêm để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thích ứng biến đổi khí hậu. Việc này liên quan đến rất nhiều vấn đề như các nhà tài trợ, các bộ ngành. Hiện đã thống nhất với các nhà tài trợ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần xem xét thể chế tiếp cận nguồn vốn theo dự án hay theo chương trình mục tiêu đồng thời cần xem xét quy trình thủ tục thực hiện theo quy định trong nước hay ODA. Bộ KH-ĐT đã thống nhất với Bộ Tài chính về sửa đổi Nghị định 56, từ đó báo cáo Chính phủ để phê duyệt để có cơ sở thực hiện các dự án.
Tranh luận tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhắc lại câu chuyện Chính phủ cam kết đầu tư cho ĐBSCL 2 tỉ USD nhưng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa hoàn thành. Chưa phê duyệt thì làm sao giải ngân? Nếu không phê duyệt thì trong cả giai đoạn 2021-2025, số tiền 2 tỉ USD đầu tư cho ĐBSCL cũng chưa có, đề nghị các bộ ngành sớm hoàn thành Quy hoạch.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết ĐBSCL, Bộ trưởng nêu là sẽ nhưng chưa hẹn ngày cụ thể. Vậy có thể trả lời khoảng thời gian nào có thể phê duyệt?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết những gì thuộc về thẩm quyền thì Bộ sẽ cố gắng làm nhanh nhất. "Cố gắng trong tháng 12 tới, Thủ tướng có thể phê duyệt quy hoạch" - người đứng đầu Bộ KH-ĐT nói.
Bình luận (0)