Ngày 17-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong thời gian vừa qua; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới; đồng thời giải quyết các kiến nghị của địa phương.
Thủ tướng thăm hỏi cán bộ tỉnh Hậu Giang trước khi bước vào buổi làm việc
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Hậu Giang, thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh này đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, khắc phục mọi khó khăn, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế và đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, GRDP năm 2021 của Hậu Giang tăng 3,08%, đứng thứ 2 trong các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Công tác phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện quyết liệt, nghiêm túc; chủ động, linh hoạt ứng phó, triển khai kịp thời các biện pháp, giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp tham gia.
Tổng kết phong trào thi đua năm 2021, tỉnh Hậu Giang là đơn vị dẫn đầu 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế Hậu Giang đã phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng 11%, cao nhất vùng ĐBSCL và xếp thứ 8 cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 58,4 triệu đồng, tăng 19%. Công nghiệp tăng trưởng đột phá 30,8%, nông nghiệp tăng trưởng 4,49% - mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tỉnh ủy Hậu Giang
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Hậu Giang phải biến tiềm lực thành nguồn lực; biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; phát huy tinh thần nội lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tỉnh cần tiếp tục xây dựng, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường hợp tác công tư, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, lấy nguồn lực nhà nước kích hoạt, dẫn dắt mọi nguồn lực hợp pháp khác.
"Hậu Giang cần tăng nguồn ngân sách gắn với việc nuôi dưỡng nguồn thu; tăng cường quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả; thực hiện đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tỉnh cần rà soát, tập trung thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh của người dân, doanh nghiệp…" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng dự lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1
Trước đó, chiều 16-7, sau khi đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành), thuộc Trung tâm Điện lực Sông Hậu, do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư.
Nhà máy có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỉ đồng, được khởi công tháng 5-2015 và đưa vào vận hành thương mại từ tháng 5-2022. Đến nay, nhà máy đã phát điện, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 2 tỉ kWh và dự kiến sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,3 tỉ kWh/năm, góp phần đáp ứng nhu cầu phụ tải của khu vực Tây Nam Bộ và cả nước.
Cũng trong chiều 16-7, Thủ tướng đã đến khảo sát nút giao giữa 2 dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang là tuyến Cần Thơ – Cà Mau và tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Thủ tướng ân cần thăm hỏi, động viên đội ngũ thi công dự án
Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, có tổng chiều dài 109 km, đi qua 5 địa phương là TP Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 27.200 tỉ đồng, quy mô 4 làn xe hạn chế. Công trình dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025.
Thủ tướng nghe báo cáo về hướng tuyến, tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí các nút giao của 2 dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Tuyến này dài 188,2 km, tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng, chia thành 4 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Dự án đi qua TP Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2027.
Hai dự án trên khi hoàn thành sẽ kết nối các trục ngang, trục dọc của vùng ĐBSCL; phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư; kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng ĐBSCL và các địa phương...
Bình luận (0)