Chủ tịch nước Trần Đại Quang bắt tay Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ảnh tư liệu
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Campuchia Vũ Quang Minh đã có bài viết xúc động về sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Báo Người Lao Động xin trân trọng giới thiệu bài viết.
Ngày 21-9, trong buổi tiếp Thượng tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng Việt Nam, đang thăm làm việc tại Campuchia, Thủ tướng Samdech Hun Sen đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Thủ tướng cũng xúc động dành nhiều thời gian nhắc lại những kỷ niệm không thể quên với Chủ tịch.
Ông nói Chủ tịch Trần Đại Quang là một trong hàng ngàn hàng vạn chiến sĩ tình nguyện Việt Nam trực tiếp chiến đấu sát cánh với những người anh em đồng chí Campuchia, trong đó có Thủ tướng Hun Sen, để xóa bỏ chế độ diệt chủng và sau đó là có những đóng góp to lớn cho công cuộc hồi sinh và phát triển đất nước Campuchia. Sự ra đi của Chủ tịch nước, Campuchia đã mất đi một người bạn tốt.
Thủ tướng Samdech Hun Sen xúc động kể lại ông đã 5 lần được Chủ tịch nước Trần Đại Quang cắt tóc cho khi cùng kề vai sát cánh bên nhau chống chế độ diệt chủng tại Campuchia trước đây.
Tối 21-9, tại buổi ăn tối thân mật do Đại sứ Pakistan, Trưởng Ngoại giao đoàn ở Phnom Penh chủ trì để chia tay Đại sứ Trung Quốc Xing Bo sắp sang Việt Nam làm đại sứ mới của Trung Quốc, tất cả các đại sứ đã dành một phút mặc niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong bài phát biểu của mình, cả Đại sứ Pakistan và Đại sứ Trung Quốc đều dành nhiều thời gian tưởng nhớ Chủ tịch nước ta với tình cảm chân thành và sâu sắc.
Cá nhân tôi, mặc dù có ít cơ hội trực tiếp phục vụ Chủ tịch nước, kể cả các chuyến công du nước ngoài của Chủ tịch tôi cũng chưa được tháp tùng lần nào, nhưng từ 10 năm nay, lúc nào cũng được Chủ tịch quan tâm.
Kỷ niệm hết sức ấn tượng đầu tiên của tôi với Chủ tịch Trần Đại Quang là chuyến đi tham gia Đối thoại Chính sách Cao cấp VELP tháng 10-2009 tại Harvard, Mỹ. Lúc đó tôi là Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, đơn vị chủ trì tổ chức hoạt động quan trọng này. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu làm "lớp trưởng", trong đó thành viên có Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Phó Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, và nhiều lãnh đạo cao cấp khác của các bộ ngành. Khi giải lao giữa các giờ thảo luận, lang thang trong khuôn viên của Đại học Harvard, anh em trong đoàn thay nhau xếp hàng chờ chụp ảnh riêng với Thứ trưởng Trần Đại Quang. Ông rất vui và chịu khó đứng làm mẫu chụp cùng, nhất là khi anh em nói vui: "Để em xin một kiểu mang theo trong ôtô".
Khi kết thúc VELP ở Boston, đoàn chia làm 2, một tháp tùng anh Nguyễn Thiện Nhân đi thăm song phương Mỹ, tới Thủ đô Washington. Một đoàn đi về qua nghỉ lại ở New York và làm việc với phái đoàn ta tại Liên Hiệp Quốc. Tôi đang bí, vì bản thân phải đi theo đoàn anh Nhân, không biết cử ai lo đoàn đi New York, thì anh Trần Đại Quang bảo em đừng phải nghĩ gì nữa, để đoàn New York anh lo cho. Thế là Anh đưa đoàn đi thăm New York rất chu đáo.
Kỷ niệm thứ hai liên quan đến việc tổ chức lần đầu tiên một sự kiện của WEF - Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á tại TP HCM năm 2010. Lúc đó là một thách thức lớn đối với ta vì là lần đầu WEF đồng ý cho Việt Nam đăng cai một hội nghị thượng đỉnh khu vực của WEF, trước chỉ để Singapore, Malaysia thay nhau đăng cai. Mà lại muốn địa điểm là đầu tàu kinh tế của cả nước. Chúng tôi phải cử một nhóm anh chị em vào nằm vùng trong TP HCM. Anh Trần Đại Quang lúc đó là Thứ trưởng Bộ Công an nhưng biệt phái phụ trách khu vực phía Nam, đã hết sức quan tâm và nhiệt tình giúp đỡ Bộ Ngoại giao và nhóm chuyên viên chúng tôi trong công tác tổ chức WEF, kể từ diễn tập chữa cháy khách sạn Intercontinental nơi tổ chức WEF, tới công tác an ninh, thẻ đại biểu, bảo vệ,...
Kỷ niệm thứ ba là sự quan tâm ân cần của anh dành cho tôi khi tôi đi công tác nhiệm kỳ đại sứ đầu tiên ở Anh Quốc năm 2011-2014. Lúc đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã là Bộ trưởng Bộ Công an. Khi xe của tôi chuẩn bị vào đường dẫn lên sảnh sân bay Nội Bài thì anh gọi điện thoại: "Em sắp vào sân bay rồi, anh chúc em lên đường may mắn, và nhớ rằng lúc nào anh cũng dõi theo và sẵn sàng giúp đỡ". Tôi được đón anh sang thăm London 2 lần. Một hôm chúng tôi mời mãi anh mới đồng ý đi ăn cơm ở nhà hàng Việt Cây Tre ở Soho. Nhưng ăn xong anh lại kiên quyết giành mời, và bảo: "Anh biết ngân sách của em hạn hẹp, không có để chi các khoản chiêu đãi này".
Trước khi lên đường đi nhận nhiệm vụ ở Campuchia, tôi có thời gian chờ đợi ở nhà khá lâu. Anh thỉnh thoảng sốt ruột lại hỏi. Anh bảo, trước khi đi qua anh ăn cơm chia tay. Khi tôi chuẩn bị đi thì anh quá bận nhưng vẫn nhất định thu xếp cho tôi được tới ăn trưa cùng anh ở ngay Phủ Chủ tịch. Tôi đã ghi lại trong một post trên Facebook: "Trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước Trần Đại Quang dành cho vinh dự tới chào ông trước khi lên đường và được nghe Chủ tịch kể lại những câu chuyện hào hùng của gần 40 năm trước, chỉ một ngày sau khi Phnom Penh được giải phóng, 8-1-1979, ông đã hành quân cùng đồng đội từ TP HCM vào giúp quân đội nhân dân Campuchia truy quét tàn quân diệt chủng Khmer Đỏ, những chặng đường chiến sự, vượt cầu giữa làn đạn B40 của quân thù... Đến những nỗ lực giúp hồi sinh đất nước tươi đẹp này".
Lần cuối tôi được gặp Chủ tịch nước là dịp về nước dự Hội nghị Ngoại giao ngày 30 - 8 vừa qua. Lúc đó sức khỏe của Chủ tịch đã suy giảm nhiều nhưng anh vẫn cố gắng làm việc đến những phút cuối cùng. Khi bắt tay trước khi chúng tôi ra về, Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn hứa sẽ sớm sang thăm lại Campuchia, có lẽ đầu năm 2019, sau chuyến thăm Việt Nam của Quốc vương dự kiến cuối năm nay 2018.
Kính xin Chủ tịch nước yên nghỉ.
Bình luận (0)