Ngày 28-1, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, biến chủng Omicron lây lan rất nhanh, có thể xuất hiện các chủng mới, ca nhiễm cộng đồng vẫn tăng ở nhiều địa phương, nguy cơ dịch bệnh cao trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; làm tốt công tác dự báo và chuẩn bị sẵn sàng để không bị động, lúng túng, bất ngờ. Tiếp tục thực hiện nghiêm "5K + vắc-xin + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của người dân và các biện pháp khác" với 3 trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghiêm túc chiến dịch thần tốc tiêm chủng vắc-xin mùa xuân xuyên Tết để đạt mục tiêu đề ra. Khẩn trương tiến hành các thủ tục mua vắc-xin để tiêm cho các cháu từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực điều trị, y tế cơ sở, y tế dự phòng nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến việc sẵn sàng lực lượng hỗ trợ kịp thời cho các địa phương khi có diễn biến phức tạp ngoài dự kiến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Chính phủ thường kỳ - Ảnh: Nhật Bắc
Về kinh tế - xã hội, nhận định tình hình sắp tới có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ, chúng ta chưa dự báo hết được những diễn biến bất ngờ có thể xảy ra, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tâm thế, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp ở mức cao hơn bình thường.
Thủ tướng yêu cầu trước hết phải chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết theo tinh thần tình nghĩa, tri ân, an toàn, lành mạnh, vui tươi, phấn khởi, hạnh phúc và tiết kiệm. Thủ tướng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát, ban hành và triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, các bộ ngành phải phân công ứng trực Tết phù hợp, khoa học để xử lý ngay, hiệu quả các vấn đề có thể xảy ra. Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không dự các lễ hội nếu không được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi. Đồng thời, tổ chức "Tết trồng cây" thiết thực, hiệu quả.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đẩy nhanh công tác này từ đầu năm, đảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng và tiết kiệm. Cùng với đó, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong đó có nhiệm vụ đảm bảo cung ứng hàng hoá, điện của ngành công thương; Đề xuất giải pháp, hoàn thiện quy định về quản lý thị trường chứng khoán của Bộ Tài chính...
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công bố công khai, cụ thể về việc mở cửa trường học và các hoạt động du lịch. Trong đó, phải nêu rõ lộ trình, các điều kiện, công việc cần làm, diễn tập các phương án xử lý khi có ca nhiễm Covid-19, tinh thần là mở cửa sớm nhất có thể, bảo đảm an toàn, hiệu quả, phù hợp tình hình.
Các bộ, ngành phối hợp với Bộ Y tế để ban hành quy định phòng chống dịch trong các ngành, thống nhất thực hiện trên toàn quốc, giám sát, kiểm tra để thực hiện hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đến nay, khi đã đạt độ bao phủ vắc-xin, đúc kết được các kinh nghiệm, công thức, phương châm phòng chống dịch, chúng ta mạnh dạn, tự tin mở cửa trở lại. "Trong khó khăn, không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có giải pháp tối ưu, nếu cứ chờ đợi thì sẽ lỡ nhịp phát triển"- Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Tại phiên họp, Thủ tướng đặc biệt lưu ý chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về quản lý hoạt động đi lại của người dân trong dịp Tết theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Thủ tướng, nơi nào tự ý đặt các quy định, yêu cầu riêng trái với quy định, hướng dẫn chung thì các bộ ngành phải kiểm tra, xử lý. Phối hợp, tham gia đón người dân từ các nơi trở về an toàn, không ngăn sông cấm chợ và trở lại làm việc sau Tết.
Về chương trình phụ hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng đề nghị các bộ tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện trên cơ sở bám sát kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan. Tinh thần là phục hồi nhanh, phát triển bền vững, các nhiệm vụ, lộ trình cụ thể, rõ ràng để kiểm tra, giám sát.
Bình luận (0)