Sáng 27-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã có chuyến thị sát dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Dịp này, Thủ tướng đã trao quyết định phê duyệt phân bổ 2.186 tỉ đồng vốn ngân sách cho dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho ông Lê Văn Hưởng (Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) và ông Mai Mạnh Hồng (Tổng Giám đốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận). "Nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách đã có rồi, các anh không phải lo nữa, chỉ cố gắng đẩy nhanh tiến độ, quyết liệt hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đề ra. Thông tuyến vào 31-12-2020, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2021 như cam kết với Chính phủ, với đất nước, với người dân" - Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để đưa vào sử dụng năm 2021
Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Tiền Giang sớm giải ngân cho dự án. Theo ông Mai Mạnh Hồng, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã làm việc với các ngân hàng để được thẩm định và ký kết hợp đồng tín dụng cho dự án. "Chúng tôi hy vọng hôm nay có chỉ đạo của Thủ tướng thì các ngân hàng cũng quyết liệt để có thể sớm ký kết hợp đồng tín dụng với chủ đầu tư" - ông Hồng nói.
Về tiến độ, ông Mai Mạnh Hồng cho biết việc thi công đã đạt 27% khối lượng. Thời gian hoàn thành dự án còn khoảng 15 tháng nữa, liệu có kịp thông tuyến như yêu cầu của Thủ tướng? Trả lời câu hỏi này, ông Hồng khẳng định: "Chúng tôi đang hết sức nỗ lực. Quyết định của Thủ tướng về việc phân bổ nguồn vốn 2.186 tỉ đồng hỗ trợ cho dự án là động lực cho chúng tôi phấn đấu nhiều hơn nữa. Chúng tôi đã có phương án thi công 24/24 giờ, làm suốt 3 ca/ngày đêm để bảo đảm tiến độ Chính phủ đề ra, quyết không để dự án lỡ hẹn với người dân ĐBSCL và đồng bào cả nước".
Trong chuyến thị sát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo Bộ GTVT sớm khởi công cầu Mỹ Thuận 2 đấu nối vào đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Thủ tướng cũng cho biết đồng ý bố trí 932 tỉ đồng trong kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2020 cho dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
18 năm, sạt lở 702 ha
Trưa cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kiểm tra tình hình sạt lở tại một số đoạn đê biển ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết từ năm 1990 đến năm 2018, khu vực này đã bị sạt lở, xâm lấn tới 702 ha. Năm năm gần đây, tốc độ sạt lở nghiêm trọng hơn. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do rừng chắn sóng bị mất.
Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải bố trí cán bộ ở các vùng nguy cơ sạt lở lớn để cùng với các địa phương có phương áp xử kịp thời khi xảy ra sạt lở mà quan trọng nhất là việc di dời, bố trí dân cư.
Về vấn đề kinh phí, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội bố trí đủ vốn cho chống sạt lở bờ sông, bờ biển khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ ĐBSCL trong năm nay và năm tới. Thủ tướng lưu ý một số địa phương đã được bố trí vốn nhưng các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển vẫn chưa hoàn thành và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ.
Bình luận (0)