Chiều 31-8, ngay sau khi đến kiểm tra Bệnh viện dã chiến quy mô 500 giường ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra đột xuất công tác chống dịch tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nơi đang là ổ dịch phức tạp nhất TP với 349 ca mắc Covid-19.
2 việc cần làm ngay tại ổ dịch phức tạp nhất
VTV đưa tin Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp trao đổi, nắm tình hình với hàng loạt người dân, trong đó có một shipper đang vận chuyển hàng. Với người giao hàng này, Thủ tướng đề nghị được xem giấy đi đường, giấy chứng nhận tiêm vắc-xin.
Tới kiểm tra 4 cửa hàng bán hàng thiết yếu trên đường Nguyễn Tuân và 1 cửa hàng điện thoại di động trên đường Nguyễn Trãi, Thủ tướng trao đổi cặn kẽ với những người này về công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch, như thực hiện giãn cách 2 m giữa người bán với người mua, đeo khẩu trang, xịt sát khuẩn, tiêm chủng vắc-xin, yêu cầu khách hàng tới quét QR code để khai báo y tế…
Tại chốt kiểm soát của phường Thanh Xuân Trung ở ngã ba Nguyễn Trãi - Nguyễn Tuân, Thủ tướng động viên thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng đang làm nhiệm vụ tại đây và tìm hiểu về thực tiễn kiểm soát người dân đi lại trên đường, đề nghị các thành viên phản ánh thêm những khó khăn, bất cập trong công tác kiểm soát, chống dịch từ thực tiễn ở địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tại chốt kiểm dịch ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Sau khi nghe đề xuất của các lực lượng này về tiêm vắc-xin, về chế độ trực chốt, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu tâm việc tiêm vắc-xin cho những người tham gia việc kiểm soát giao thông như cựu chiến binh, phụ nữ, dân phòng… đồng thời, nghiên cứu thêm các chính sách về phụ cấp hỗ trợ, cung cấp trang thiết bị bảo hộ, nước uống… cho các chốt kiểm soát.
Thủ tướng sau đó đến kiểm tra tại điểm "nóng" về dịch Covid-19 ở ngõ 328 và ngõ 330 Nguyễn Trãi.
Sau khi nghe báo cáo và chứng kiến bản đồ tình hình dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải làm ngay 2 việc. Một là di dời bớt người dân ra khỏi khu vực hiện có mật độ dân số quá đông để tránh lây nhiễm, bảo vệ các vùng xanh xung quanh. Hai là thiết lập ngay trạm y tế lưu động tại phường, điều trị phân loại ngay các ca F0 theo tinh thần mỗi xã phường là một pháo đài như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công điện 1102 ngày 23-8.
Phê bình, lưu ý nhiều vấn đề với địa phương
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại hiện trường, Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội bố trí đến kiểm tra tại Sở chỉ huy tiền phương của UBND phường Thanh Xuân Trung. Tuy nhiên, khi Thủ tướng đến, sở chỉ huy phường này không có người trực.
Thủ tướng yêu cầu phường cho xem quyết định thành lập và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của phường nhưng phải chờ sau 20 phút cán bộ mới trình ra được Quyết định thành lập, còn quy chế làm việc thì không có.
Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung cho biết vị trí Bí thư phường hơn 1 tháng nay chưa được kiện toàn.
Thủ tướng ngay sau đó đã phê bình nghiêm khắc vấn đề này với Bí thư Quận ủy Thanh Xuân, nhấn mạnh trong lúc phường đang là điểm nóng nhất về dịch Covid-19 của Hà Nội mà chậm kiện toàn là khuyết điểm, yêu cầu phải kiện toàn ngay lập tức để nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo chống dịch.
Sau đó, ngay tại trụ sở phường Thanh Xuân Trung, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo TP Hà Nội, lãnh đạo các quận huyện và gần 580 xã phường của TP.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, thành tích vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội của TP Hà Nội, đặc biệt là sự tham gia, ủng hộ, hưởng ứng, chia sẻ của người dân.
Thành quả chống dịch là thành quả của nhân dân. Xã, phường, thị trấn là nơi gần dân nhất, đến với dân nhanh nhất, sát dân nhất, hiểu dân nhất. Vì vậy, chủ trương lấy xã, phường làm pháo đài là đúng đắn.
Thủ tướng và đoàn kiểm tra đã đến UBND phường Thanh Xuân Trung để làm việc trực tuyến với Hà Nội tại điểm cầu UBND phường
Thủ tướng nhận thấy người dân ra đường vẫn rất đông. Nếu đang thực hiện Chỉ thị 16 thì thế này chưa đạt kết quả. Qua kiểm tra ở phường thấy nếu tình hình như hiện nay, Hà Nội có thể kiểm soát được, nếu như tình hình phức tạp hơn, diễn biến xấu như các tỉnh, TP phía Nam sẽ bị động, lúng túng, có thể cả bất ngờ.
"Khi đã quyết định giãn cách xã hội như chúng ta đang làm thì phải quyết liệt, chặt chẽ hơn, không "chặt ngoài, lỏng trong". Cái này xã, phường phải làm việc này và làm nghiêm. Chúng ta giãn cách xã hội là hi sinh nhiều việc thì phải thu được kết quả, vì vậy, cần tách nguồn lây để có phương án chăm sóc, điều trị. Xã, phường phải tổ chức xét nghiệm theo hướng dẫn. Phải làm thần tốc, thu hẹp chu kỳ, phải thu dung, chăm sóc, điều trị nhanh nhất có thể, đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất, sớm nhất đến cơ sở. Điều này có tác dụng là người bị nhiễm nhanh chóng được tiếp cận y tế để giảm tử vong, giảm quá tải tuyến trên. Khi ta phân loại thì không ùn tắc, quá tải tuyến trên, người dân cũng yên tâm vì được chữa trị sớm" - người đứng đầu Chính phủ nói.
Thủ tướng yêu cầu cần có phương án tăng cường trạm xá lưu động. Phường Thanh Xuân Trung có thể tìm trường học, trung tâm văn hoá, trường đại học, khu lưu trú du lịch chưa sử dụng... Đặc biệt, theo tinh thần chỉ đạo tại Công điện 1102 ngày 23-8, xã phường phải bảo đảm an sinh xã hội; tổ chức tiêm vắc-xin kịp thời, khoa học, hiệu quả, an toàn ngay tại phường; bảo đảm an ninh trật tự cho nhân dân.
Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức tôn giáo phải làm tốt công tác này. Đồng thời, xã phường phải chủ động bảo đảm một số nguồn lực "4 tại chỗ", chuẩn bị ở mức cao hơn khi tình huống cao hơn xảy ra, không để lúng túng, bị động.
Thủ tướng nhấn mạnh dịch đang diễn biến rất phức tạp. Phải tăng cường chiến lược vắc-xin, thuốc và chuẩn bị thích nghi với dịch trong mọi hoàn cảnh.
Bình luận (0)