Chiều 3-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, trong đó có việc thực hiện Chỉ thị số 16 về cách ly trong xã hội.
Hy sinh tăng trưởng ngắn hạn
Thủ tướng đánh giá các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt việc phòng chống dịch, nhất là việc khoanh tìm, xử lý ổ dịch tại quán bar Buddha và Công ty Trường Sinh. Đến nay, đã có 85 ca bình phục, chưa có ca tử vong; nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân được bảo đảm. Đặc biệt là tình nghĩa đồng bào sâu nặng, thủy chung khi đất nước lâm nguy, đại dịch xảy ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện nay nhiều nước triển khai các biện pháp rất mạnh mẽ, quyết liệt như ngày 3-4, Thủ tướng Thái Lan ra lệnh giới nghiêm; một số nước ra lệnh phong tỏa; Liên bang Nga đưa ra chế tài, phạt rất nặng... Dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm, tử vong tăng nhanh. "Nếu không cương quyết, không thực hiện nghiêm túc nhất những chủ trương của Đảng, nhà nước thì vấp phải bệnh chủ quan, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trong cộng đồng. Phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chỉ thị gần đây của Thủ tướng" - Thủ tướng yêu cầu.
Nhấn mạnh không làm suy giảm tinh thần của các chỉ thị, nhất là Chỉ thị số 16, Thủ tướng nêu rõ không để tác động của tình hình kinh tế làm thay đổi tinh thần của Chỉ thị số 16 mà cần thực hiện nghiêm hơn. Mục tiêu đưa ra là không để vỡ trận, lây lan dịch trong cộng đồng ở mức độ cao, nhiều ca, có thể phá vỡ hệ thống cơ sở điều trị. Do đó việc cách ly cần tiếp tục thực hiện nghiêm, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Tuy nhiên, một số địa phương vận dụng Chỉ thị 16 còn máy móc, có điểm sai. "Chúng ta thực hiện nghiêm nhưng không vận dụng sai, hiểu không đúng nghĩa cụm từ cách ly xã hội. Tinh thần là thực hiện quyết liệt, không được chần chừ" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nêu con số tăng trưởng quý I/2020 đạt 3,82% là mức thấp trong nhiều năm nhưng Việt Nam vẫn là nước tăng trưởng cao nhất khu vực, Thủ tướng cho rằng có thể hy sinh tăng trưởng trong ngắn hạn để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng mà Chính phủ đề ra.
Khai hồ sơ lấy mẫu xét nghiệm virus gây Covid-19 tại một cơ sở y tế ở TP Hà Nội. Ảnh: TUẤN DŨNG
Tự hào đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, đã tham gia hội chẩn và chỉ đạo công tác điều trị và chống dịch Covid-19 với hơn 10 điểm cầu là các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19 thông qua hệ thống Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị Covid-19.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của 3 trong số 4 bệnh nhân nặng đang điều trị tại đây đã có nhiều tiến triển tốt, không còn phải thở máy. Bệnh viện Bạch Mai cũng cử 1 kíp y - bác sĩ đến hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, liên tục trong những ngày qua, các bác sĩ của bệnh viện cùng các chuyên gia đầu ngành trong Tổ chuyên gia của Bộ Y tế đã hội chẩn, nỗ lực chăm sóc và điều trị nên hiện tại có nhiều bệnh nhân sức khỏe tiến triển tốt lên. Hiện nay, thế giới chưa có thuốc đặc trị, phác đồ điều trị chuẩn. Đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đang ngày đêm nỗ lực cùng với tìm hiểu, học hỏi thêm về chuyên môn từ các đồng nghiệp quốc tế và sự sáng tạo của Việt Nam để có các phương án điều trị tốt nhất cho từng ca bệnh, tất cả vì sức khỏe người dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ niềm tự hào đội ngũ cán bộ y tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và cho biết đặt niềm tin hoàn toàn vào đội ngũ cán bộ y tế. "Việc điều trị bệnh nhân khỏi và không để bệnh nhân tử vong không chỉ là niềm mong mỏi của các cán bộ y tế mà của toàn dân. Đây là điều có ý nghĩa rất quan trọng, củng cố niềm tin của cả đất nước" - Phó Thủ tướng khẳng định và gửi lời cảm ơn các giáo sư, y bác sĩ, những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch đã nỗ lực hết mình để đến hiện tại Việt Nam chưa có bệnh nhân nào tử vong.
Hiện đã có 85 bệnh nhân trong tổng số 237 bệnh nhân kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đã được công bố khỏi bệnh và xuất viện. Những bệnh nhân còn lại đang điều trị tại hơn 20 cơ sở y tế. Đa số các bệnh nhân có sức khỏe ổn định.
Bảo đảm giãn khoảng cách xã hội
Ngày 3-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ký công văn hỏa tốc gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND tỉnh, TP về việc hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu:
Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn...
Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện, nước, nhiên liệu...); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp... được tiếp tục hoạt động.
Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân. Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị số 16...
B.Trân
Hợp tác, hỗ trợ nước bạn chống dịch bệnh
Chiều 3-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trao đổi về tình hình phòng chống dịch Covid-19 ở mỗi nước và hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, chiều 3-4, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã tiến hành trao tượng trưng trang thiết bị y tế, là quà của Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi tặng Chính phủ và nhân dân Lào, Chính phủ và nhân dân Campuchia để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19, trị giá hơn 7 tỉ đồng cho mỗi nước.
Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp không thu tiền vật tư, trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia cho Bộ Quốc phòng để trang bị cho các đơn vị quân đội thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, Bộ Quốc phòng xuất cấp 4 danh mục trang bị hóa học gồm: 6 xe tiêu tẩy đa năng, 8 xe tiêu tẩy ARS-14; vật tư máy báo độc RAID-M 100; vật tư máy đo phóng xạ hóa học RAID-XP. Bộ Tài chính xuất cấp 2.600 bộ nhà bạt các loại hỗ trợ chống dịch bệnh.
D.Ngọc - T.Dũng
Bình luận (0)