Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tiếp tục diễn ra từ 8 giờ sáng nay 1-11 với những câu hỏi chất vấn về các vấn đề nóng dành cho các bộ trưởng, trưởng ngành "đăng đàn".
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết từ chức là vấn đề mới - Ảnh: quochoi.vn
Hôm nay, 1-11, cũng là ngày khép lại 3 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ và trưởng ngành tại kỳ họp này.
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết từ đầu phiên có 53 đại biểu đăng ký chờ chất vấn. Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ đăng đàn đầu tiên với câu trả lời về biện pháp ngăn chặn thông tin bôi nhọ danh dự cá nhân công dân trên mạng internet. Đây là câu hỏi đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt ra cuối giờ chiều ngày 31-10.
Thượng tướng Tô Lâm cho biết, vấn đề này còn khó khăn do những thông tin này không chỉ xuất phát từ mạng trong nước mà còn mang tính xuyên quốc gia, quốc tế với đặc thù của mạng internet; thông tin vu khống, xuyên tạc muốn xử lý được thì cần giám định nên phải sự vào cuộc của các cơ quan chức năng khác; quy định về chứng cứ số...
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết các cơ quan chức năng sẽ tăng cường quản lý nhà nước về thông tin trên không gian mạng, như phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông internet ngăn chặn truy cập từ trong nước với gần 3.000 trang mạng có nội dung xấu; thanh tra, xử lý các vi phạm pháp luật đối với việc đăng tải, cung cấp thông tin xuyên tạc sai sự thật; yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài hợp tác trong xử lý thông tin vi phạm pháp luật tại Việt Nam...
* Giả bệnh án tâm thần
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về làm giả bệnh án tâm thần để trốn trách nhiệm hình sự, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết việc khám, chữa bệnh cho người dân khi có dấu hiệu tâm thần được thực hiện ở hệ thống bệnh viện tâm thần trung ương 1, 2 và các bệnh viện tỉnh, thành trên cả nước. Với tội phạm, việc xác định bệnh được thực hiện ở hệ thống viện giám định pháp y tâm thần mới có giá trị pháp lý và thường có công an đi cùng khi giám định. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm những nhân viên y tế có hành vi phối hợp với đối tượng làm giả bệnh án tâm thần.
* Khi nào bỏ trần lãi suất?
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Đình Cúc về thanh toán không dùng tiền mặt và quy định trần lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay cơ sở hạ tầng, công nghệ cho thanh toán không dùng tiền mặt đang được cải thiện. Các giao dịch ứng dụng phương thức thanh toán mới tăng trưởng mạnh, qua internet tăng 48% về số lượng và hơn 27% giá trị; qua điện thoại di động tăng gần 40%. Thanh toán không dùng tiền mặt khu vực công được mở rộng, đến cuối tháng 8-2018 hệ thống điện tử liên ngân hàng kết nối với hệ thống thuế, kho bạc 63 tỉnh, thành phố.
Về lãi suất và áp dụng trần lãi suất, Thống đốc Lê Minh Hưng đồng thuận với quan điểm đại biểu cần hạn chế biện pháp hành chính, xác lập lãi suất thị trường. Song thị trường vốn chưa đáp ứng được vốn cho nền kinh tế, ngân hàng vẫn là kênh chủ lực cung ứng vốn, nên biện pháp hành chính cần thiết đảm bảo an toàn hoạt động tiền tệ. Việc duy trì trần lãi suất cũng giúp ổn định hệ thống tín dụng. Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ quy định này khi tới thời điểm thích hợp.
* Giải quyết vấn nạn sim rác
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng về vấn nạn sim rác, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay giải pháp căn cơ là người dùng sim phải chính danh, đăng ký đầy đủ thông tin. Khi chưa có cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Bộ TT-TT đã thực hiện một số giải pháp để thu hồi sim rác. Từ tháng 7-2017 đến nay đã thu hồi được 24 triệu sim, trong đó 50% thuộc về nhà mạng lớn nhất là Viettel; tổ chức đăng ký lại thông tin thuê bao.
Theo Bộ trưởng, sắp tới sim mới phải đăng ký đầy đủ thông tin, gồm cả chụp ảnh, các nhà mạng không đưa ra thị trường sim giá rẻ để người dùng sim thay thẻ điện thoại. Bộ cũng đang nghiên cứu công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh thực với ảnh chứng minh thư. Công nghệ này không chỉ giúp đăng ký sim mà còn xác thực nhiều loại thẻ và dịch vụ khác. Bộ giao Tập đoàn VNPT phát triển công nghệ này, dự kiến quý II/2019 xong.
Sẽ cụ thể hóa quy định về cơ chế từ chức
Trả lời đại biểu Quốc hội về trách nhiệm nêu gương và cơ chế từ chức của cán bộ, công chức hiện nay, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết từ chức là vấn đề mới, là hình thức tự nguyện nếu như cán bộ được bổ nhiệm thấy rằng mình không đủ sức khoẻ, uy tín, nếu có vi phạm.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, trong Luật Cán bộ, công chức có quy định 5 hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Riêng với cán bộ lãnh đạo thì có hình thức bãi nhiệm, miễn nhiệm. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ về hình thức từ chức.
"Sau khi có Nghị quyết Trung ương 8 khoá XII, chúng tôi nghĩ rằng, Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể hóa quy định của Đảng trong những văn bản quy phạm pháp luật. Từ chức không chỉ trong cơ quan Chính phủ mà cả trong Đảng, hệ thống chính trị, đoàn thể chính trị xã hội" Phó Thủ tướng Thường trực cho biết.
Theo Phó Thủ tướng, đây là vấn đề khá rộng cần nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện. Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu ban hành các văn bản quy định cụ thể về vấn đề này. "Trong việc xem xét vấn đề từ chức, ngoài tự nguyện, nếu cán bộ có vi phạm, bỏ phiếu tín nhiệm không đạt thì vẫn bãi nhiệm theo quy định. Trách nhiệm pháp lý đối với những vi phạm nếu có của cán bộ, công chức đó thì vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay là bị xử lý hành chính, kỷ luật Đảng, theo đúng quy định" - Phó Thủ tướng nói.
Một đại biểu giơ bảng xin chất vấn - Ảnh chụp màn hình
* Trước đó, quá trình chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2 ngày 30 và 31-10, đã có 88 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 55 lượt đại biểu tranh luận đối với chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND tối cao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, 17 bộ trưởng, trưởng ngành gồm: bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tổng Thanh tra Chính phủ và bộ trưởng các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công an, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, TT-TT, Tư pháp.
Trong ngày chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng, từ 15 giờ 50 đến 16 giờ 35 hôm nay 1-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Như vậy, người đứng đầu Chính phủ sẽ không trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội. Lý do điều chỉnh được đưa ra là "do chương trình hoạt động đối ngoại, Thủ tướng Chính phủ sẽ không trực tiếp trả lời chất vấn, chỉ báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại cuối phiên chất vấn".
Thông thường, tại kỳ họp giữa năm của Quốc hội, Thủ tướng sẽ uỷ quyền cho một Phó Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn. Còn ở kỳ họp cuối năm, đích thân Thủ tướng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu Quốc hội.
Báo Người Lao Động điện tử tường thuật trực tiếp phiên chất vấn.
Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 này diễn ra trong 3 ngày, từ 30-10 đến hết ngày 1-11. Tại phiên chất vấn giữa kỳ này, việc chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào việc thực hiện 6 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, trong đó có 3 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 3 nghị quyết về chất vấn.
Hoạt động chất vấn sẽ không theo nhóm vấn đề như thông lệ, mà các đại biểu Quốc hội trực tiếp chất vấn về các nội dung liên quan đến việc thực hiện 6 nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn. Nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực nào thì trước tiên trách nhiệm trả lời sẽ do các bộ trưởng, trưởng ngành chịu trách nhiệm về lĩnh vực đó trực tiếp trả lời. Những vấn đề liên quan đến điều hành chung của Chính phủ, thì các Phó Thủ tướng phụ trách ngành, lĩnh vực sẽ trả lời làm rõ thêm theo yêu cầu. Riêng đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ TT-TT sẽ do Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trả lời.
Sau phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo làm rõ thêm những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại cuối phiên chất vấn diễn ra chiều ngày 1-11.
Tại phiên chất vấn này, các đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút, người trả lời chất vấn trả lời không quá 3 phút đối với mỗi chất vấn của đại biểu và thời gian tranh luận cho mỗi đại biểu là không quá 2 phút. Các đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, bảo đảm đúng thời gian quy định. Người trả lời cần đi thẳng vào vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn, đồng thời làm rõ trách nhiệm, phương hướng khắc phục trong thời gian tới.
Bình luận (0)