Ngày 20-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP HCM bàn về việc giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình và các Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng...
Về phía TP HCM có ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy và ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo TP HCM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sự phát triển của TP HCM sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả nước. Trong buổi làm việc này, Chính phủ sẽ lắng nghe các kiến nghị nhằm tháo gỡ để TP HCM phát triển đúng với tiềm năng, vị trí. Đặc biệt là đối với các dự án FDI của TP, kiên quyết không để xảy ra tình trạng thất thoát, tham ô.
Nhiều bộ, ngành cũng sẽ có những giải pháp tháo gỡ sản xuất - kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công nhằm giúp TP HCM đạt được mức tăng trưởng như kế hoạch đã đề ra, qua đó thiết thực giải quyết thu nhập cho người lao động.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM (đứng) tại buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết năm 2020, TP đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công, với tổng số vốn trên 41.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TP hơn 33.900 tỉ đồng, vốn ngân sách Trung ương hơn 7.751 tỉ đồng.
Tính đến ngày 15-7, khối lượng giải ngân đạt 18.836 tỉ đồng - đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỉ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm trước.
Dù hiện nay tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP HCM cao hơn tỉ lệ chung của cả nước nhưng trong quá trình thực hiện vừa qua, TP đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết để đấy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm giúp quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của TP thời kỳ sau dịch Covid-19.
Đối với tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), TP kiến nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố trí bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương trong hạn mức kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 còn lại của dự án chưa được bố trí là 3.676,695 tỉ đồng, để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, dự kiến hoàn thành công trình vào năm 2021.
Với tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương), TP mong muốn Chính phủ cho phép thực hiện điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí để tiếp tục thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bàng độc lập, đảm bảo không tăng tổng mức đầu tư của dự án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Dự kiến việc giải ngân để đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ dự án tuyến metro số 2 trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 3.000 tỉ đồng, góp phần làm tăng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, lãnh đạo TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ - ngành sớm có hướng dẫn cụ thế các quy trình thực hiện thủ tục đầu tư, triển khai dự án, xác định cơ quan có thấm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan phê duyệt dự án, hoặc các nội dung ủy quyền cần thiết.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (gọi tắt là Công ty Đại Quang Minh) sẽ thực hiện dự án 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức BT với tổng vốn đầu tư 8.265 tỉ đồng.
Giá trị quyền sử dụng các lô đất đã thanh toán cho nhà đầu tư là khoảng 12.490 tỉ đồng. Phần chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất và chi phí đầu tư tạm tính khoảng 4.225 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Đại Quang Minh đã nộp ngân sách 2.376 tỉ đồng, còn thiếu khoảng 1.849 tỉ đồng (theo kết luận thanh tra là 1.800 tỉ đồng) chưa nộp ngân sách.
"Để cân đối phần kinh phí nộp ngân sách còn thiếu, Công ty Đại Quang Minh đề xuất được thực hiện thêm dự án "quảng trường trung tâm" và "công viên bờ sông" trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỉ đồng" - ông Nguyễn Thành Phong cho biết.
Phối cảnh quảng trường và công viên ven sông tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Kiến nghị nêu trên từng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Trên cơ sở đó, TP HCM và nhà đầu tư đã đàm phán thống nhất về việc sẽ thực hiện dự án quảng trường trung tâm và công viên bờ sông trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
"Đây là một công trình công cộng có ý nghĩa quan trọng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị lớn. UBND TP HCM xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về việc triển khai thực hiện dự án quảng trường trung tâm và công viên bờ sông tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong thời gian sắp tới để đảm bảo phù hợp với các quy định liên quan" - ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị.
Quảng trường Trung tâm - Thủ Thiêm có diện tích 20,13ha, kết nối với trung tâm thành phố hiện hữu qua cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn đến Công trường Mê Linh, quận 1. Quảng trường được quy hoạch thành không gian công cộng lớn nhất tại Việt Nam, là công trình điểm nhấn của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây sẽ là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu, tổ chức các lễ hội văn hóa, chính trị, hoạt động giải trí phục vụ người dân.
Trong khi đó, công viên bờ sông - Thủ Thiêm có diện tích 7,26ha, trải dọc suốt 2km bờ Đông sông Sài Gòn, từ Trung tâm Triển lãm quốc tế phía Bắc đến Khu thể thao và giải trí phía Nam. Công viên bờ sông được phát triển thành trung tâm sinh thái đặc trưng bản sắc văn hóa Nam Bộ. Đây sẽ là không gian công cộng đa chức năng với các khu cảnh quan, vườn cây, sân thể thao, ki-ốt... phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí của người dân.
Bình luận (0)