Sáng 18-11, tại Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ phát động phong trào thi đua "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí". Sự kiện do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức, tại công trường thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, TP Tam Điệp, Ninh Bình.
Thủ tướng thăm hỏi người lao động trên công trường dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45. Ảnh:Nhật Bắc
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra là đến năm 2025 cả nước có 3.000 km cao tốc, đến 2030 có 5.000 km. Theo Thủ tướng, chúng ta phải cố gắng rất nhiều, bởi khối lượng công việc thời gian tới rất lớn, 10 năm trước cả nước chỉ có hơn 1.000 km cao tốc, trong khi từ nay đến năm 2025 phải có 3.000 km.
Do đó, nội dung của phong trào thi đua thuộc lĩnh vực được đầu tư lớn nhất trong các loại hình đầu tư.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương sau sự kiện này tiếp tục phát động các phong trào thi đua ở cơ quan, đơn vị, địa phương, làm sao để cả hệ thống chính trị, toàn dân hưởng ứng, thực hiện tốt các phong trào thi đua."Chúng ta phải có kế hoạch sơ kết hằng năm để đánh giá, nhìn lại những việc đã làm được, những việc chưa làm được để rút kinh nghiệm để năm sau tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước; tiếp tục chọn các công trình, công việc để tổ chức phát động thi đua thiết thực, hiệu quả".
Thủ tướng cho rằng nội dung thứ hai là thực hành tiết kiệm - một nét văn hoá, đạo đức của người Việt Nam. Tiết kiệm phải đi vào tiềm thức con người, đi vào từng công việc cụ thể, giai đoạn cụ thể, vào từng việc rất nhỏ như ra về tắt điện, đi công tác gọn nhẹ nhất, đỡ tốn kém nhất, nhanh nhất có thể, tiết kiệm họp hành để giảm chi phí, đến những việc lớn như làm cao tốc, các công trình trọng điểm, phát triển hạ tầng. Nếu làm chậm tiến độ, kéo dài thì đội vốn, gây lãng phí lớn.
Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua đặc biệt phát triển kết cấu hạ tầng
Thủ tướng nêu rõ sau hơn 74 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948), hàng trăm phong trào thi đua yêu nước đã và đang được phát động, tổ chức thực hiện sâu rộng, thiết thực, hiệu quả trên toàn quốc. Đây là động lực tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, huy động có hiệu quả sức người, sức của, tạo nên sức mạnh quần chúng rộng lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thi đua yêu nước dần trở thành truyền thống quý báu, một nét văn hóa đặc sắc, một di sản của dân tộc ta.
Thủ tướng nhắc lại một phong trào thi đua đặc biệt, ai cũng nhớ tới trong 2 năm qua, khi ngày 9-7-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn quốc chống đại dịch COVID-19. Và ngày 14-8-2021, vào giai đoạn cao điểm nhất của phòng, chống đại dịch, chúng ta phát động phong trào thi đua đặc biệt cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch. Tinh thần đại đoàn kết, "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" đã góp phần tạo nên chiến thắng đại dịch.
Thủ tướng tặng quà cho người lao động đang thi công trên công trường. Ảnh: Nhật Bắc
Đến nay, phát triển kinh tế-xã hội của nước ta đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế 9 tháng tăng 8,83%, lạm phát kiểm soát dưới 3%, thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi, làm đủ ăn, xuất đủ nhập, bảo đảm an ninh năng lượng, cung ứng lao động).
Thủ tướng nêu rõ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những yêu nước nhất".
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp cả nước tập trung thi đua. Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành công việc hàng ngày của mỗi tổ chức, người dân, doanh nghiệp, qua đó góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng yêu cầu cần coi trọng công tác truyền thông chính sách; mong phong trào thi đua này và các phong trào thi đua trước đây sẽ đi vào lòng người; mỗi cán bộ đảng viên phải nỗ lực làm tốt nhất có thể, bằng những hành động thiết thực, cụ thể.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương sau sự kiện này tiếp tục phát động các phong trào thi đua ở cơ quan, đơn vị, địa phương, làm sao để cả hệ thống chính trị, toàn dân hưởng ứng, thực hiện tốt các phong trào thi đua.
"Chúng ta phải có kế hoạch sơ kết hằng năm để đánh giá, nhìn lại những việc đã làm được, những việc chưa làm được để rút kinh nghiệm để năm sau tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước; tiếp tục chọn các công trình, công việc để tổ chức phát động thi đua thiết thực, hiệu quả".
Bình luận (0)