Ngày 4-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2023. Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ sẽ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 10 và 10 tháng năm 2023, tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2023. Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Theo Thủ tướng, qua lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội, cử tri mong muốn và kỳ vọng ở Chính phủ nhiều hơn nữa.
"Vì vậy, chúng ta đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, tập trung giải quyết công việc có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành dứt điểm, có hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân"- Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Thủ tướng Chính phủ đã khái quát bối cảnh thế giới thời gian tới nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Hậu quả dịch COVID-19 kéo dài, cạnh tranh địa chiến lược, địa kinh tế gia tăng; xung đột tại Ukraine khó đoán định, xuất hiện thêm xung đột tại Dải Gaza. Những biến động đó kéo theo giá lương thực, năng lượng có xu hướng tăng.
Ở trong nước, theo lãnh đạo Chính phủ, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. "Chúng ta triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh nền kinh tế chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và các hạn chế, tồn tại kéo dài nhiều năm"- Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nhờ triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp tình hình KT-XH tháng 10 tiếp tục đạt kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, duy trì xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước.
Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt. An sinh xã hội, đời sống người dân được bảo đảm. Đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng lên.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, như tăng trưởng chưa đạt mục tiêu, sản xuất, kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thủ tục hành chính còn rườm rà. Một bộ phận cán bộ vẫn sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy công việc. Việc khắc phục một số bất cập còn khó khăn, một số vấn đề tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo Thủ tướng, chỉ còn gần 2 tháng để nỗ lực hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2023. Do đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng, xác định những nhiệm vụ đột phá, trọng tâm để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn trong tháng 11, 12, phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu kết quả năm 2023 phải tốt hơn năm 2022.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê trước đó, tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỉ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng qua đạt 291,28 tỉ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 ước tính xuất siêu 3 tỉ USD. Tính chung 10 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 24,61 tỉ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,56 tỉ USD).
Bình luận (0)