Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ thị nêu rõ bên cạnh những bộ ngành, địa phương có kết quả tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, vẫn còn nhiều cơ quan có tỉ lệ giải ngân vốn thấp, việc phân bổ vốn còn tồn tại, hạn chế.
Năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến khó lường, việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn...
Dự án cầu Vĩnh Tuy (TP Hà Nội) giai đoạn 2 đang đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2023. Ảnh: HỮU HƯNG
Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phấn đấu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu Bô Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổng hợp các dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, theo dõi tiến độ thực hiện giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, thích ứng với điều kiện thực tế nhằm hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn năm 2023.
Cùng với việc rà soát các vướng mắc trong thể chế, Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao khẩn trương tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy trình thủ tục đàm phán, ký kết Hiệp định, rút vốn, giải ngân của các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài triển khai trong năm 2023 theo từng nhóm nhà tài trợ.
Đặc biệt, cần theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp điều hành giá, các chính sách về thuế, phí và các chính sách khác, góp phần ổn định giá cả, giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán.
Đối với các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.
Bên cạnh đó, cần phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023.
"Người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp phối hợp, làm việc với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để giải quyết vướng mắc phát sinh"- Chỉ thị nêu rõ và giao các đơn vị cần áp dụng các hình thức đấu thầu phù hợp với tính chất dự án, đúng quy định pháp luật. Thực hiện giải ngân theo đúng kế hoạch được Quốc hội quyết nghị, Thủ tướng Chính phủ giao, kiên quyết không trả lại kế hoạch vốn năm 2023.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên…; có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các cá nhân, tổ chức cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Tại Chỉ thị cũng yêu cầu thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Đối với các địa phương, bên cạnh các nhiệm vụ liên quan đến đảm bảo vật liệu cho việc triển khai dự án, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, công tác dân vận kịp thời, đúng quy định, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của nhà nước và người dân, không để xảy ra khiếu kiện, phát sinh thành điểm nóng về an ninh, trật tự.
Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương báo cáo Chính phủ trước ngày 25-3 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; dự kiến khả năng thực hiện, số tiền có thể giải ngân đến hết thời hạn của Chương trình, phương án đối với số tiền còn lại không sử dụng hết.
Liên quan đến hạn chót 25-3, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được yêu cầu báo cáo Chính phủ về cụ thể số tiền còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đề xuất phương án xử lý.
Đối với việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường hoạt động chỉ đạo, điều hành của ban chỉ đạo các cấp; rà soát danh mục các dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, bảo đảm trọng tâm trọng điểm, dứt khoát không dàn trải, manh mún trong quá trình tổ chức thực hiện.
Rà soát, tổng hợp dữ liệu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, danh mục dự án đầu tư, kết quả giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023, định kỳ báo cáo Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, các cơ quan chủ Chương trình trước ngày 23 hàng tháng.
Bình luận (0)