Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, lúc 19 giờ ngày 16-7, vị trí tâm bão số 1 ở khoảng 19.5 độ Vĩ Bắc ; 114.6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão cấp 11 (103-117 km/giờ), giật cấp 14. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 km/giờ.
Vị trí và dự báo hướng di chuyển của bão số 1. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16-7 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên và các bộ ngành, chỉ đạo tập trung ứng phó với bão số 1.
Theo công điện, dự báo bão số 1 còn tiếp tục mạnh lên cấp 12-13, giật cấp 15, từ chiều mai (17-7) bão có thể sẽ gây gió mạnh trên Vịnh Bắc Bộ, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến vùng biển ven bờ và đất liền ven biển Bắc Bộ.
Hoàn lưu bão số 1 có thể gây mưa lớn kéo dài, nhất là tại khu vực phía Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét tại miền núi, ngập úng cục bộ tại các đô thị và vùng thấp trũng, ven sông, suối.
Đây là cơn bão đầu tiên năm 2023 dự kiến ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta với cường độ mạnh ngay sau đợt nắng nóng kéo dài.
Để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ, bảo vệ an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước, Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố không được chủ quan, lơ là, chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ.
Chủ tịch UBND các địa phương căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ.
Đối với các hoạt động trên biển, đảo, rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, chủ động hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Rà soát, có biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp. Chủ động cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
Đối với khu vực ven biển và trên đất liền, rà soát, chủ động triển khai sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực nguy cơ bị ngập sâu cửa sông, ven biển. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, nhất là vị trí xung yếu hoặc đang thi công trên các tuyến đê biển, đê cửa sông . Sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt.
Chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy,...
Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn.
Bình luận (0)