Xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh Covid-19
Sáng nay 9-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) báo cáo tình hình và các biện pháp chống dịch.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng cho rằng nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, đi lại nhiều vì thế nguồn lây nhiễm đa dạng, do đó cần có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ, kịp thời để ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây cũng như xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP
Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia báo cáo tình hình và các biện pháp phòng chống với tinh thần "chống dịch như chống giặc" để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, có thể hy sinh một số lợi ích kinh tế để ngăn chặn Covid-19 thành công.
Đại diện Ban chỉ đạo cho biết đến 20 giờ ngày 8-3, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 30 ca dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh Covid-19, trong đó 16 ca đã được điều trị khỏi, 14 ca mới ghi nhận (trong đó: 5 ca người Việt, 9 ca nước ngoài) hiện đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế; trong 5 ca người Việt có 2 ca trên chuyến bay VN0054, 2 ca lây từ bệnh nhân người Việt số 17, 1 ca người Việt đi về từ Hàn Quốc.
Đối với chuyến bay VN0054, có 201 hành khách, đến 20 giờ tối qua 8-3, Việt Nam đã ghi nhận thêm 13 ca dương tính trên cùng chuyến bay. Trong 201 hành khách, hiện đã có thông tin nơi ở/nơi lưu trú của 156 hành khách và lộ trình di chuyển của những người này (cư trú tại 15 tỉnh, thành phố), còn 27 trường hợp đang cập nhật được thông tin về nơi lưu trú, cư trú.
Ban chỉ đạo cho biết, trong thời gian tới, số mắc Covid-19 có thể tiếp tục tăng do hiện nay các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân số 17 (chị N.T.H.N, SN 1993, trú ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội) trên chuyến bay VN0054 chưa được kiểm soát triệt để. Bên cạnh đó, số nước trên thế giới có dịch đang tăng lên khiến cho việc ngăn chặn dịch bệnh vào Việt Nam khó khăn hơn. Quan trọng là kiên trì các phương pháp chống dịch, đó là phát hiện, ngăn chặn, cách ly và khoanh vùng dập dịch.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cuộc chiến chống dịch Covid-19 bắt đầu sang một giai đoạn mới. Chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt cho tình huống này và sẽ làm tốt hơn nữa các kịch bản.
Tất cả địa phương trong cả nước phải nghiêm ngặt, chặt chẽ, kịp thời kiểm điểm, kiểm soát tốt hơn nữa nguồn lây từ ổ dịch trong nước và đặc biệt là nguồn lây từ nước ngoài.
Các lực lượng chức năng như hải quan, biên phòng, an ninh các cửa khẩu, sân bay phải kiểm soát nguồn nhập cảnh kỹ hơn, không để lọt lưới những người nhiễm bệnh hay nguy cơ nhiễm bệnh cao. Du lịch phải bảo đảm an toàn.
Cần phải xử lý nghiêm trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo theo pháp luật. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp và Bộ Y tế xem xét những trường hợp cụ thể để xử lý theo đúng pháp luật, cần có thái độ dứt khoát để răn đe chung những cá nhân vi phạm, không trung thực khai báo khi đã biết mình có bệnh.
Tạm dừng đơn phương miễn thị thực đối với 8 nước châu Âu
Thủ tướng cũng lưu ý việc nhận diện, khoanh vùng, cách ly, chữa bệnh, bảo đảm vững tâm lý, hành động hợp lý, đúng mức là nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay. Trước hết, cần phải truy tìm và cách ly tất cả khách du lịch trong chuyến bay VN0054 đủ 14 ngày.
Việc công bố thông tin liên quan dịch Covid-19 phải bảo đảm minh bạch, kịp thời, truy tìm nguồn lây một cách nhanh nhất, những người tiếp xúc phải cách ly đầy đủ.
Những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, thuốc men và các phương tiện khác bảo đảm đầy đủ để phục vụ nhu cầu của người dân. Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Hà Nội, Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tập đoàn tư nhân đã đóng góp vào bình ổn thị trường. Các địa phương cũng phải chuẩn bị cơ số cần thiết, không để thiếu hàng, sốt giá. Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh nâng giá hàng hóa quá đáng. Phải xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật.
Lực lượng khoa học công nghệ, kể cả Bộ Khoa học và Công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, các giáo sư bác sĩ đầu ngành, các viện tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phương thức phòng, chống và chữa bệnh, gồm cả chẩn đoán, xét nghiệm, phác đồ điều trị, vaccine. Thủ tướng và Bộ Tài chính sẵn sàng ưu tiên ngân sách xứng đáng cho công tác này.
Thủ tướng cũng đồng ý việc hạn chế họp hành, tụ tập đông người, không tổ chức các cuộc họp không cần thiết, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong họp, chỉ đạo điều hành, học tập, khai báo điện tử, dạy qua truyền hình…
Thủ tướng đồng ý việc tạm dừng đơn phương miễn thị thực đối với 8 nước châu Âu gồm Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha.
Thủ tướng đồng ý kiến nghị của Ban Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạm thời không cử cán bộ đi học tập, công tác nước ngoài trừ trường hợp đặc biệt được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 31-1-2020, WHO công bố dịch bệnh là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC). Cho đến ngày 8-3, trên thế giới tổng cộng có 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có người mắc Covid-19.
Cập nhật lúc 11 giờ ngày 9-3, Thế giới: 109.970 người mắc, 3.828 người tử vong, trong đó:
- Lục địa Trung Quốc: 3.119 người tử vong.
- Hồng Kông (Trung Quốc): 2 người tử vong.
- Đài Loan (Trung Quốc): 1 người tử vong.
- Phillippines: 1 người tử vong
- Nhật Bản: 7 người tử vong.
- Pháp: 19 người tử vong.
- Tàu Diamond Princess: 7 người tử vong
- Iran: 194 người tử vong
- Hàn Quốc: 53 người tử vong
- Mỹ: 22 người tử vong
- Ý: 366 người tử vong.
- Úc: 3 người tử vong
- Thái Lan: 1 người tử vong
- San Marino: 1 người tử vong
- Tây Ban Nha : 17 người tử vong
- Iraq: 5 người tử vong
- Ai Cập: 1 người tử vong
- Thụy Sỹ: 2 người tử vong
- Anh: 3 người tử vong
- Hà Lan: 3 người tử vong
- Arentina: 1 người tử vongmắc
Bình luận (0)