Chiều 13-10, UBND phường An Tây, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã triển khai lực lượng tổ chức di dời 50 học sinh sống tại khu vực xóm Gióng đến nơi an toàn. Đây là khu vực thấp trũng, do mưa lớn nước đổ về nhanh và chảy xiết nên rất nguy hiểm. Còn tại huyện Phong Điền, chính quyền xã Phong Hiền đã di dời 15 hộ, 21 khẩu; huyện Phú Lộc di dời 20 hộ với 68 khẩu ở xã Lộc Tiến; thị xã Hương Trà sơ tán 3 người ở phường Hương Văn
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cho toàn bộ trẻ em, học sinh, học viên của 568 trường mầm non và phổ thông, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên nghỉ học.
Nước ngập gây tắc đường tránh TP Huế đoạn qua phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy.
Thống kê từ 19 giờ ngày 12-10 đến 15 giờ ngày 13-10, lượng mưa đo được tại các trạm phổ biến từ 200-300mm, có nơi cao hơn như xã Thuỷ Thanh (Hương Thủy) 382mm, Đồn Biên phòng Chân Mây ở Phú Lộc 431mm, Cảng Tư Hiền (Phú Lộc) là 384 mm. Mực nước sông Hương tại Kim Long đã đạt mức +1,72m, dưới báo động II là 0,28m
Theo ghi nhận, mưa lớn trong những giờ qua đã làm cho nhiều tuyến đường ở TP Huế, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền bị ngập, có nơi bị ngập đến hơn 1 m khiến giao thông tê liệt. Tuyến Quốc lộ 1 tránh Huế đoạn qua phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy cũng bị ngập nặng một số đoạn.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh - TP Huế.
Di dời người già, người có thai, sinh viên tại đường Nguyễn Hữu Cảnh - TP Huế đến nơi an toàn.
Giăng dây cảnh báo.
Dự báo đến ngày 17-10, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa to, mưa rất to, có nơi mưa đặc biệt to và rải rác có dông; trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 300-500 mm, có nơi trên 700 mm.
Bộ đội nỗ lực gia cố đoạn đê kè ở huyện Quảng Điền bị sạt lở.
Để đối phó với mưa lũ, ngày 13-10, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã có công điện về việc chủ động phòng, ngừa, ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Ông Phương yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn.
Các địa phương kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng người dân. Chú ý các khu vực đồi núi, khu vực có nguy cơ sạt lở cao như: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc; các hộ dân ven sông Hương, sông Bồ.
Người dân ở một con đường phường Trường An, TP Huế phải giăng dây đảm bảo an toàn khi di chuyển.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng yêu cầu các địa phương phân công lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt; cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt; quản lý chặt chẽ các ghe, thuyền bãi ngang ven biển, đầm phá và trên các sông; nghiêm cấm người dân đi vào rừng khi có mưa lũ. Kiểm tra công tác chuẩn bị, triển khai phương án ứng phó mưa lũ tại cấp xã theo phương châm "4 tại chỗ": Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện, vật tư tại chỗ; Hậu cần tại chỗ.
Mua lũ làm sạt lở một đoạn đường ở xã Thủy Bằng, TP Huế.
Bình luận (0)