Nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới, ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho biết tỉnh sẽ cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo nhằm gia tăng giá trị sản xuất - kinh doanh, tiếp cận kinh tế tri thức, công nghệ; tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, các thành phần kinh tế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.
Khai thác lợi thế tự nhiên
Với lợi thế có hơn 128 km đường bờ biển cùng hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, theo ông Sơn, trong quá trình xây dựng quy hoạch, tỉnh Thừa Thiên - Huế đặc biệt quan tâm đến những yếu tố tự nhiên như biển, đầm phá, đồng thời định hướng mô hình đô thị trực thuộc Trung ương trong tương lai được xác định theo dạng mô hình "chùm đô thị, đa trung tâm", vươn ra biển, phát huy vị trí đầu mối trên các tuyến giao lưu quốc tế và liên vùng.
Để cụ thể hóa định hướng này, tỉnh xây dựng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng du lịch sinh thái có tầm quốc gia và quốc tế; là vùng động lực phát triển cụm ngành kinh tế biển Trung Trung Bộ gắn với xây dựng khu vực Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế cao của quốc gia.
Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có cảng nước sâu Chân Mây, được quy hoạch khu đô thị cảng biển để giúp Thừa Thiên - Huế phát triển về kinh tế
Cũng theo ông Sơn, tỉnh sẽ quy hoạch phát triển kinh tế biển và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái kết hợp với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch biển, du thuyền trên phá Tam Giang. Ưu tiên thu hút các dự án về du lịch theo hướng hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái biển, đầm phá, các trung tâm du lịch thể thao, du lịch chữa bệnh chất lượng cao, du lịch tín ngưỡng. Phát triển các đô thị ven biển dọc đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Đặc biệt, hình thành khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Bạch Mã - Cảnh Dương; khu du lịch quốc gia trên đầm phá; tập trung phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo...
Xây dựng chuỗi đô thị kết nối Đà Nẵng
Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (CM-LC) được thành lập hơn 15 năm, rộng 28.000 ha với nhiều khu chức năng khu cảng, KCN, khu phi thuế quan, khu đô thị và khu du lịch. Khu kinh tế này được xác định là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao... Tại đây đang thực hiện quy hoạch định hướng thành lập đô thị loại 3 - thành phố kinh tế biển của tương lai.
Góp ý về đồ án quy hoạch đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận xét CM-LC là khu kinh tế quá tuyệt vời với địa hình bằng phẳng, sát biển, cảng đẹp, dân cư không đông là điều kiện lý tưởng để doanh nghiệp tiếp cận nhưng đến nay tỉ lệ dự án lấp đầy chỉ mới 3,5%-3,6%. "Nó đang thiếu cái gì? Phải xây dựng tổ hợp khu đô thị tuyệt vời gồm cảng biển, đô thị du lịch, công nghiệp hiện đại và là đô thị đối đẳng với đô thị cổ Huế. Đô thị cổ Huế thuộc quý hiếm của loài người để ban ngày du khách đến cảm nhận sự trầm mặc, tối đến tưng bừng nhảy múa tiêu tiền ở CM-LC" - ông Thiên gợi ý.
KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, cho rằng: "Nếu TP Thừa Thiên - Huế trong tương lai là một Việt Nam thu nhỏ thì CM-LC giống như trung tâm kinh tế TP HCM của cả nước, TP Huế là Hà Nội và ở giữa là khu vực đầm phá như khúc ruột miền Trung còn nghèo khó. CM-LC được quy hoạch đúng hướng thì sẽ trở thành trung tâm kinh tế của TP Thừa Thiên - Huế, mang lại GDP cao hơn, thu nhập tốt hơn, hạ tầng phát triển hơn".
Ông cũng cho rằng phát triển chuỗi đô thị trục Huế - Đà Nẵng là chìa khóa giúp kinh tế Huế vượt bậc trong vài thập niên tới. Kết nối này có 2 điểm nhấn là đô thị sân bay Phú Bài và đô thị CM-LC. Hai địa phương này là trung tâm của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nhưng phải xây dựng được giao thông công cộng tốc độ cao để đi lại Huế - Đà Nẵng "như đi chợ".
Sẽ trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc
Festival nghề truyền thống Huế 2023 được tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5 nên tỉnh đã "bội thu" về khách du lịch. Đó như là một đòn bẩy trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành trung tâm văn hóa - du lịch lớn của Việt Nam và khu vực vào năm 2030; tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á như mục tiêu mà Nghị quyết 54-NQ/TW đã đề ra.
Huế đang có 5 di sản thế giới, trong tương lai sẽ có thêm một số di sản văn hóa và thiên nhiên khác. Với đặc trưng là thành phố sở hữu nhiều di sản thế giới nhất trong nước và khu vực, Thừa Thiên - Huế có thế mạnh du lịch di sản. Bên cạnh đó địa phương này còn có nhiều thế mạnh về du lịch cảnh quan với nhiều thắng cảnh nổi tiếng như hệ đầm phá, sông nước; du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tập trung quảng bá tiềm năng, lợi thế và có các chính sách thuận lợi nhất để thu hút những tập đoàn lớn, những thương hiệu du lịch hàng đầu đến Huế tìm hiểu đầu tư. Đặc biệt sẽ chú trọng quảng bá các lợi thế, tạo mọi điều kiện thông thoáng, thuận lợi trong đầu tư phát triển du lịch... để Thừa Thiên - Huế không chỉ là nơi đáng để sống mà còn là nơi đáng để đến của các nhà đầu tư.
Người Huế là sản phẩm lịch sử lâu đời trở thành di sản văn hóa cố đô trong lao động, ứng xử, phong cách, tiếng nói, tài hoa nghệ thuật, trang phục, ẩm thực, thưởng ngoạn. Vì vậy, cùng với cảnh quan và di tích, con người Huế sẽ làm nên một môi trường xã hội về du lịch hấp dẫn của đô thị Huế.
PGS-TS ĐỖ BANG, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-8
Bình luận (0)