Từ đầu cầu TP Cần Thơ, GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng 4 năm qua, sau khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, các tỉnh cũng như các bộ, ngành đã chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thuận theo thiên nhiên để phát triển ĐBSCL. Khi Chính phủ triển khai cụ thể Quy hoạch ĐBSCL sẽ giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại. Ví dụ có những nơi mùa mưa chứa nước nhiều quá nhưng mùa khô lại không có, thay vì 3 vụ lúa tốn kém nước ngọt thì mùa khô có thể chuyển sang trồng xoài. Các đơn vị liên quan và bà con nông dân cần ngồi lại cùng doanh nghiệp có đầu ra lớn để trao đổi cụ thể hơn.
Theo GS-TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu, vấn đề tồn tại là nước cấp cho nuôi trồng thủy sản và nước thải vẫn sử dụng chung qua các kênh nên gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản. Thời gian tới, để phát triển nuôi trồng thủy sản thì phải khắc phục thực trạng này.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết mạnh mẽ Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chuyển dịch năng lượng là yếu tố không thể thiếu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Vì vậy, cần tận dụng hết những lợi thế, tiềm năng năng lượng tái tạo để phát triển ĐBSCL thích ứng với những sự thay đổi từng ngày, từng giờ của biến đổi khí hậu.
Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Đình Thọ cho rằng ĐBSCL là khu vực có lợi thế về năng lượng tái tạo nên đây chính là khu vực trọng điểm để Việt Nam có thể đạt được kết quả như Thủ tướng cam kết tại COP26. Ông Thọ kiến nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thành Quy hoạch điện VIII giúp khu vực có thể thực hiện các dự án năng lượng tái tạo bởi năm 2021 là năm bản lề để các tỉnh khu vực ĐBSCL phát triển quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng quan điểm này, GS-TS Trần Thục nhận định cách làm hiệu quả là cần kết hợp năng lượng mặt trời với thủy sản, nông nghiệp.
Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu quan điểm "Mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững". Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết bộ đã triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề "thuận thiên" dựa vào tự nhiên. Về phòng chống thiên tai cho khu vực, yếu tố con người là quan trọng nhất. Năm 2016 không có người dân nào bị thiệt mạng vì lũ do đã thực hiện rất quyết liệt việc nâng cao năng lực cộng đồng, hướng dẫn người dân bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe bằng những chương trình như cấp nước sạch, bảo đảm sinh kế cho bà con.
Bình luận (0)