Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ các vấn đề liên quan đến vai trò của báo chí trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới, nhận diện tình trạng định kiến giới trong xã hội thể hiện trên báo chí - truyền thông, thảo luận về khuôn mẫu giới, sạn giới, cách thức xây dựng sản phẩm báo chí có nhạy cảm giới…
Các đại biểu chia sẻ về bình đẳng giới
Nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, cho rằng dù hành lang pháp lý về truyền thông giới tại Việt Nam hiện nay khá đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới. Ảnh hưởng văn hóa phong kiến truyền thống vẫn còn ăn sâu bám rễ trong tư tưởng của nhiều người như tư tưởng trọng nam khinh nữ, hay tình trạng phụ nữ bị bạo hành vẫn tồn tại, nhưng nạn nhân rất ít lên tiếng và nhiều gia đình nạn nhân không muốn đưa câu chuyện của mình lên báo chí…
Nhà báo Vĩnh Quyên, nguyên Phó Tổng Giám đốc Kênh Truyền hình Quốc hội, nhận định định kiến giới vẫn "lẩn khuất" trong các tác phẩm truyền thông, gây tác động về nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ.
Trong khi đó, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thục Hạnh cho rằng để thay đổi nhận thức và hành vi, thúc đẩy bình đẳng giới, các sản phẩm báo chí cần hướng tới thay đổi, xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu về giới, giúp hiểu đúng và tôn trọng đa dạng về giới.
Nhà báo Trần Trọng An, Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Gia đình mới, nhận định những định kiến giới đòi hỏi phải có quá trình lâu dài, bền bỉ để chuyển đổi nhận thức, thông qua phổ biến kiến thức, kỹ năng sống, phát huy vai trò của truyền thông trong thúc đẩy bình đẳng giới.
Chỉ ra những biểu hiện của định kiến giới trong sản phẩm báo chí hiện nay, chuyên gia Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, gợi ý các nội dung nhằm bảo đảm nhạy cảm giới trong truyền thông, gồm: Không sử dụng hình ảnh làm nặng thêm định kiến giới, khuôn mẫu giới vốn có; sử dụng hài hòa hình ảnh minh họa, ý kiến của nam, nữ trong sản phẩm báo chí; bảo đảm sự hiện diện bình đẳng về hình ảnh, ý kiến của nam, nữ trong sản phẩm báo chí. Cùng với đó là sử dụng câu chuyện, hình ảnh truyền cảm hứng cho công chúng về bình đẳng giới theo nguyên tắc chia sẻ và hợp tác giữa các giới để cùng phát triển…
Theo PGS-TS, nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, để thay đổi nhận thức của công chúng và các cấp, cần đề cao việc khai thác các chủ đề, câu chuyện liên quan đến bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó, chú trọng thay đổi góc nhìn bình đẳng giới, cả nam, nữ và giới khác đều được phát triển tối đa tiềm năng của mình.
Trong khuôn khổ chương trình, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trưng bày chuyên đề có tính lịch sử về các sản phẩm báo chí đề cập đến vấn đề giới tại Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua.
Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam, chia sẻ thông qua những tác phẩm báo chí viết về giới, trưng bày góp một điểm nhấn sinh động và ý nghĩa phục vụ các mục tiêu đề ra của chương trình, khẳng định vai trò của báo chí trong truyền thông chống phân biệt đối xử về giới, khuôn mẫu giới, bình đẳng giới.
Bình luận (0)