Phát biểu khai mạc phiên họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công vào sáng 16-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê bình nhiều địa phương giải ngân vốn rất chậm ở mức dước 20% và 7 bộ cùng cơ quan trung ương giải ngân chưa đạt 5%. Đồng thời, Thủ tướng mong muốn hội nghị giải quyết "3 cái đọng", cụ thể: không để vốn đọng, tức có tiền mà không tiêu được; không để nợ đọng, tức là hạng mục thi công đã hoàn thành nhưng không quyết toán; không được để thủ tục "đọng".
Nhiều địa phương hứa sẽ giải ngân mạnh
Báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết tổng số vốn đầu tư công được Quốc hội giao là 470.600 tỉ đồng. Dù các cấp, ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nhưng tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu, chỉ đạt gần 160.000 tỉ đồng, bằng 33,9% kế hoạch, theo số liệu của Bộ Tài chính.
Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng thông tin phần lớn dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia đều giải ngân rất chậm so với kế hoạch. Chẳng hạn, dự án thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được phê duyệt nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 18.500 tỉ đồng, lũy kế vốn đã bố trí đến nay là 18.195 tỉ đồng. Quốc hội quy định việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được tiến hành 1 lần và phải hoàn thành trước 2021. Tuy nhiên, giải ngân lũy kế đến nay chỉ đạt trên 1.827 tỉ đồng, bằng 10,1% kế hoạch được giao.
Trong phần trình bày của địa phương, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh này đã bồi thường trước cho khu vực ưu tiên 1.810 ha thuộc khu 5.000 ha để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành. Trong đó, đã giải phóng mặt bằng hơn 1.120 ha cao su và đã có kết quả thanh lý cây cao su. Đến ngày 13-10 sẽ bàn giao mặt bằng của khu 1.810 ha này. Đến tháng 11, thực hiện xong việc áp giá, công bố giá với người dân ở đây.
Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn - nơi ở của người dân thuộc diện giải tỏa của dự án sân bay quốc tế Long Thành Ảnh: XUÂN HOÀNG
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung vốn cho dự án để thực hiện được tốt trong trường hợp người dân tích cực hợp tác trong công tác giải phóng mặt bằng bởi tổng vốn đầu tư được phê duyệt là 22.900 tỉ đồng nhưng hiện vốn bố trí cho dự án chỉ hơn 18.000 tỉ đồng.
Tại đầu cầu tỉnh Tiền Giang, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh này quyết tâm đến tháng 11-2020 có thể giải ngân 100% vốn đầu tư công. Vì vậy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo quan trọng để giải quyết ách tắc về hồ sơ, thủ tục, giải phóng mặt bằng… "Đến ngày 31-12, tỉnh sẽ thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo chỉ đạo của Chính phủ và đến ngày 30-4-2021, bàn giao sử dụng theo tiến độ kế hoạch" - ông Hưởng thông tin.
Phải "sờ gáy" người làm trực tiếp
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đẩy mạnh đầu tư công không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người. Thừa nhận giải ngân năm nay đã tốt hơn năm trước khi tăng 9% so với cùng kỳ nhưng Thủ tướng nêu rõ tình trạng trì trệ vẫn xảy ra.
"Phải sờ gáy những người làm trực tiếp thì người ta mới lo làm việc, chỉ nói chung chung thì khó nêu cao tinh thần trách nhiệm" - Thủ tướng nhắc nhở và lưu ý năm nay phải giải ngân khoảng 28 tỉ USD, tương đương trên 630.000 tỉ đồng.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các địa phương học tập, trao đổi kinh nghiệm để khắc phục những tồn tại, khuyết điểm trong giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội; công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng cơ bản. Ngoài ra, các địa phương, bộ - ngành phải có một chương trình hành động cụ thể trong vấn đề này với hành động mạnh mẽ và báo cáo Thủ tướng.
Có cơ chế thì phải lo "tiêu tiền"!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Quốc hội, Chính phủ đã mở ra cơ chế cho địa phương, các ngành thì phải lo việc tiêu tiền trên mảnh đất của mình, trên lĩnh vực, ngành mình quản lý. Điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền sang nơi có thể giải ngân được, nhất là nguồn vốn trung ương, vốn ngân sách, kể cả vốn ODA. Từ đầu tháng 8 tới, yêu cầu Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân.
Bình luận (0)