. Phóng viên: Thuế suất thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành áp dụng theo biểu lũy tiến từ 5%-35%, gồm 7 bậc. Ông có nhận thấy sự bất hợp lý trong điều kiện thu nhập và chi tiêu thực tế hiện nay của người dân?
- ThS - LS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA: Trong khi thuế suất thuế TNCN đang áp dụng từ 5%-35% thì thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% và có xu hướng giảm về 15%-17% theo yêu cầu của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt khác, hiện nay, số lượng cá nhân có thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng khá phổ biến và họ phải chịu mức thuế suất cao tới 35% mà không được khấu trừ chi phí liên quan.
ThS - LS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA:
Tài xế xe ôm công nghệ có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên đang chịu mức thuế cao 5% Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Do đó, để phù hợp tình hình kinh tế - xã hội, Luật Thuế TNCN nên sửa đổi theo hướng giãn mức thu nhập trong biểu lũy tiến từng phần, tăng mức thu nhập tối đa. Điều này có tác dụng khuyến khích cá nhân nỗ lực phấn đấu, nâng cao trình độ nghiệp vụ và thu hút nhân tài cho nền kinh tế.
. Ngoài biểu thuế lũy tiến, mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc cũng không còn phù hợp, thưa ông?
- Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Mức giảm trừ gia cảnh nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013.
Thực tế cho thấy, với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2019 là 3,78% thì đã cao hơn tới 24,83% so với thời điểm luật thuế này có hiệu lực. Trong khi đó, Luật Thuế TNCN hiện hành có quy định rõ: "Trường hợp CPI biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh". Do đó, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh là phù hợp quy định của pháp luật và đáp ứng nguyện vọng của người nộp thuế.
. Nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng có thể không cần sửa đổi trong luật nếu như có thêm quy định khấu trừ các chi phí phát sinh trong sinh hoạt, làm việc, học tập… của người dân theo tỉ lệ phù hợp?
- Đúng là trong hoạt động hằng ngày, người nộp thuế phát sinh nhiều chi phí để tồn tại và phát triển bản thân, bao gồm: chi phí ăn, ở, học hành, chữa bệnh, đào tạo nâng cao.
Pháp luật về thuế TNCN ở các nước có nền kinh tế phát triển như Đức, Mỹ, Thụy Sĩ… cho phép người nộp thuế được khấu trừ thuế từ các chi phí này theo định mức. Đây được xem là thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng và phù hợp của pháp luật thuế.
Tại Việt Nam, do công tác thống kê và quản lý thu nhập của chúng ta chưa hoàn thiện nên pháp luật tính chung mức giảm trừ gia cảnh của mọi người là cố định như nhau, cụ thể đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng và đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Đây là con số cố định cho mọi người cư trú ở các vùng miền khác nhau với chi phí sinh hoạt hoàn toàn khác nhau.
Vì thế, để bảo đảm nguyên tắc pháp luật công bằng và khuyến khích cá nhân yêu cầu chứng từ khi chi tiêu cá nhân, ngăn ngừa tình trạng mua bán hóa đơn, pháp luật thuế TNCN nên chấp nhận các chi phí hợp lý liên quan tới thu nhập tính thuế. Cụ thể, quy định hạn mức chi tiêu được khấu trừ và yêu cầu cá nhân cung cấp chứng từ hợp pháp. Trong đó, nên xem xét cho khấu trừ một số khoản mục chi phí sau: tiền thuê nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo; tiền đào tạo nghiệp vụ của bản thân và tiền học của con cái (yêu cầu chứng chỉ); tiền lãi vay mua nhà ở duy nhất và một phương tiện đi lại; viện phí và chi phí chữa bệnh hiểm nghèo đối với bản thân, vợ/chồng và người phụ thuộc.
. Hiện nay, tài xế xe ôm công nghệ có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên hiện đóng thuế 5%, người có thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên nộp thuế 10%. Trong khi đó, một số chủ cửa hàng, quán ăn, hộ kinh danh có doanh thu hàng trăm triệu đồng nhưng nộp thuế khoán với 1,5%-7%. Việc này có hợp lý?
- Theo nguyên tắc công bằng và nhất quán của chính sách thuế cũng như thực tế các nước phát triển, thuế TNCN trước hết áp dụng cho mọi người có thu nhập một cách giống nhau. Sau đó, vào cuối năm, mọi người sẽ thực hiện quyết toán và nhà nước sẽ trả lại tiền thuế nộp dư. Dĩ nhiên, cá nhân có nghĩa vụ chứng minh thu nhập và chi phí giảm trừ của mình.
Bình luận (0)