TP HCM đã ban hành loạt chương trình hành động, có giải pháp cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, cần phải làm rõ đang tắc ở khâu thực hiện? Đơn cử như việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), muốn tốt lên thì phải làm gì để cải thiện các điểm số PCI về tiếp cận đất đai; chi phí không chính thức; tiếp cận nguồn lực? Nhóm câu hỏi để hình thành nên các trụ cột đó, địa phương nào cũng biết và biết khó chỗ nào nhưng thúc đẩy để cải thiện là điều không dễ.
Mấu chốt để thúc đẩy môi trường kinh doanh là thực thi - khâu đang hạn chế hiện nay ở TP. Chừng nào TP chưa cải thiện hơn nữa về tuyển dụng, sử dụng con người, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thì các giải pháp mới chỉ dừng ở phần ngọn.
Để giải bài toán nguồn lực cán bộ công chức, viên chức của TP, có thể lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm tiêu chí phục vụ, làm sao thể chế hóa yêu cầu đó. Cụ thể, doanh nghiệp và người dân có quyền đánh giá sự hài lòng về phục vụ, đánh giá với môi trường kinh doanh. Việc đánh giá phải được cụ thể hóa xuống từng sở ngành, phòng ban, từng cán bộ công chức. Chẳng hạn như khi thực hiện bất cứ thủ tục hành chính nào về thuế, hải quan, môi trường kinh doanh, đầu tư,… doanh nghiệp sẽ đánh giá năng lực của cán bộ theo thang điểm từ 1-5. Mỗi năm từ 5%-10% cán bộ công chức bị đánh giá thấp nhất sẽ bị cảnh cáo, nếu yếu kém trong 2 năm liên tiếp sẽ bị loại và thay bằng thi tuyển đội ngũ công chức mới chất lượng hơn.
Với việc áp dụng hệ thống đánh giá năng lực tới từng công chức, cán bộ, họ sẽ có động lực phải cố gắng làm việc, học hỏi từ những địa phương khác có chỉ số PCI, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) tốt hơn… Đổi lại, cần cơ chế đặc thù để cán bộ, công chức có động lực làm việc, cống hiến bằng những chính sách về lương, thưởng, cơ hội thăng tiến.
Sự đòi hỏi ngày càng cao của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh đang đặt ra yêu cầu về chuẩn mực cao hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu chính quyền địa phương không đáp ứng được, doanh nghiệp sẽ chọn lựa địa phương khác nên việc cải thiện môi trường đầu tư là đòi hỏi cấp bách.
Thực tiễn cho thấy, TP HCM đã và đang có một vị thế rất tốt, xứng đáng trở thành trung tâm kinh tế tài chính thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài khi tới Việt Nam, địa phương đầu tiên họ nghĩ đến phải là TP, rồi khi đi vào từng dự án cụ thể, thấy có băn khoăn, trục trặc… mới chuyển đến các địa phương khác.
Sức hấp dẫn tiềm tàng của TP HCM là rất lớn, khó có địa phương nào có thể vượt được, quan trọng là những vấn đề, hạn chế của TP trong thời gian qua làm mờ đi lợi thế tiềm tàng. Vì thế, rất cần sự đột phá, thay đổi để TP trở lại vị thế vốn có của mình.
Bình luận (0)