Sau 2 ngày, Hội nghị Thượng đỉnh giữa Mỹ - Triều Tiên đã không đạt được thêm thỏa thuận nào. Cho rằng đây là vấn đề phức tạp, không thể giải quyết được ngay trong một sớm một chiều và quan điểm giữa Mỹ - Triều Tiên còn nhiều điểm khác biệt, theo các chuyên gia, trong tương lai, hai bên chắc chắn sẽ phải tìm cách để giải quyết, không có cách nào khác là phải nhượng bộ nhau.
Làm đúng còn hơn là làm nhanh
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã có các cuộc họp tốt đẹp và mang tính xây dựng. Hai nhà lãnh đạo thảo luận về nhiều cách để thúc đẩy phi hạt nhân hóa và các ý tưởng thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, các bên không đạt được thỏa thuận nào vào thời điểm này. Hai nước mong đợi có thêm nhiều cuộc gặp khác trong tương lai.
Tại cuộc họp báo chiều 28-2 ở khách sạn Marriott (Hà Nội) trước khi rời Việt Nam, Tổng thống Donald Trump giải thích lý do không đạt được thỏa thuận với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chủ yếu là do phía Triều Tiên muốn dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt kinh tế nhưng phía Mỹ không thể chiều theo vào thời điểm này... Theo Tổng thống Donald Trump, Chủ tịch Kim Jong-un sẵn sàng giải trừ cơ sở hạt nhân Yongbyon nhưng muốn mọi cấm vận phải được Mỹ dỡ bỏ trước - điều mà ông Donald Trump nói là không muốn.
Song Tổng thống Mỹ vẫn đánh giá cuộc hội đàm với Chủ tịch Kim Jong-un "rất hiệu quả" dù cả ông và Ngoại trưởng Mike Pompeo thống nhất đây vẫn chưa là thời điểm thích hợp để ký kết một thỏa thuận chung. Ông cũng khẳng định Chủ tịch Kim Jong-un có một tầm nhìn chắc chắn về vấn đề phi hạt nhân hóa. Cho biết "tốt hơn là làm đúng còn hơn là làm nhanh", Tổng thống Mỹ khẳng định ông và Chủ tịch Triều Tiên vẫn duy trì quan hệ. Ông Donald Trump khẳng định ông rất muốn dỡ bỏ cấm vận đối với Triều Tiên vì ông tin tiềm năng của nước này. Đồng thời, Tổng thống Mỹ cũng không muốn đề cập tới việc gia tăng các biện pháp trừng phạt, vì lợi ích của những người đang sinh sống ở Triều Tiên. Ông hy vọng sẽ sớm gặp lại ông Kim Jong-un.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết hai bên đã hiểu được giới hạn, thách thức của nhau và trong thời gian tới sẽ tiếp tục hướng tới phi hạt nhân hóa; cả ông Donald Trump và ông Kim Jong-un đều cảm thấy tích cực về tiến bộ đạt được.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un không đạt được thỏa thuậnẢnh: TTXVN
Bước tiến lớn trong tiến trình đối thoại
Ngày 28-2, trả lời câu hỏi của phóng viên về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Trong 2 ngày qua, Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội. Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã khẳng định cuộc gặp gỡ tại Hà Nội là một bước tiến quan trọng trong tiến trình đối thoại giữa hai bên".
Theo bà Thu Hằng, là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, Việt Nam đã nỗ lực, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho hội nghị, thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Vị thế, vai trò và công tác chuẩn bị và tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được lãnh đạo hai nước Mỹ, Triều Tiên và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Việt Nam chia sẻ mong muốn của cộng đồng quốc tế là các bên tiếp tục kiên trì đối thoại giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên cũng như thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên; sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng, kiến tạo hòa bình, phối hợp thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Trao đổi với Báo Người Lao Động về kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, PGS-TS Phạm Hồng Thái, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, nhận định: "Tôi tin trong tương lai, hai bên sẽ tìm cách để giải quyết, không có cách nào khác là phải nhượng bộ nhau". Ông Hồng Thái cũng cho rằng cả Mỹ và Triều Tiên đều để ngỏ khả năng gặp trong tương lai gần nhưng đều phụ thuộc vào hoạt động trao đổi lòng tin cũng như sự chuẩn bị của hai bên.
Dự đoán về tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Bộ Ngoại giao), cho rằng: "Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy việc dỡ bỏ lệnh cấm vận và phá thế bao vây cấm vận là lộ trình gồm rất nhiều bước. Vì vậy, các bên phải đánh giá lại và chắc chắn không thể có cuộc họp cấp cao ngay được".
Tổng thống Mỹ liên tục cảm ơn Việt Nam
Sau khi lên chuyên cơ Không lực 1 rời sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) vào chiều 28-2, Tổng thống Donald Trump đã viết lời cảm ơn Việt Nam trên mạng xã hội Twitter. "Cảm ơn các vị chủ nhà rộng lượng của chúng ta ở Hà Nội tuần này: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và những người dân Việt Nam tuyệt vời!" - Tổng thống Donald Trump viết.
Trong cuộc họp báo chiều cùng ngày, ông Donald Trump cũng gửi lời cảm ơn Việt Nam vì sự hiếu khách và khen ngợi Hà Nội là thành phố tuyệt vời. Trước đó, không lâu sau khi đặt chân xuống Việt Nam tối 26-2, ông Donald Trump cảm ơn đất nước và người dân Việt Nam vì sự tiếp đón nồng hậu.
Trong 3 ngày ở Việt Nam, bên cạnh hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump cũng đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, gặp và ăn trưa cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ph.Nghĩa
Chứng khoán Việt Nam và châu Á giảm mạnh
Thị trường chứng khoán Việt Nam đồng loạt lao dốc vào chiều 28-2 đúng lúc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 kết thúc sớm và không đạt kết quả như nhiều người mong muốn.
Khép lại phiên giao dịch buổi chiều, VN-Index chốt ở mức thấp nhất trong ngày với 965,47 điểm, tức mất tổng cộng 24,8 điểm, tương đương 2,5%, mức giảm mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây. HNX-Index cũng mất 1,77 điểm, tương đương 1,64% giá trị và đóng cửa ở mức 105,86 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 284 triệu cổ phiếu, trị giá 6.000 tỉ đồng. Đà giảm mạnh của thị trường chủ yếu đến từ những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường. Các thị trường chứng khoán lớn ở châu Á cũng bất ngờ chuyển sang sắc đỏ. KOSPI Index của Hàn Quốc tuột dốc ngay sau thông tin Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên bị cắt ngắn so với kế hoạch. Chốt ngày, KOSPI Index mất tới 39,35 điểm, tương ứng 1,76%, xuống còn 2.195,44 điểm; chỉ số Kosdaq cũng của Hàn Quốc, rớt 2,78%, xuống 731,25 điểm. Ở các thị trường khác, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 128,18 điểm; Nikkei225 của Nhật mất 171,35 điểm hay Shanghai của Trung Quốc giảm 12,87 điểm.
V.Vinh - S.Nhung
Bình luận (0)