Sau Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam 2017 được tổ chức tại Cà Mau, đây là lần thứ 2 sự kiện này diễn ra tại ĐBSCL. Thương hiệu biển xanh của đồng bằng đã nhiều lần được đề cập nhưng cho đến nay vẫn còn là... mục tiêu phấn đấu.
ĐBSCL có 7 tỉnh giáp biển, với bờ biển dài 750 km, chiếm 23% chiều dài bờ biển cả nước, hơn 360.000 km2 vùng biển và đặc quyền kinh tế, có gần 200 đảo và quần đảo. Đây là vùng duy nhất của cả nước tiếp giáp biển Đông và biển Tây, nằm gần tuyến hàng hải Đông - Tây sôi động nhất thế giới, là một cửa ngõ quan trọng xét trên nhiều mặt.
Trong khi đó, sản phẩm kinh tế biển có thương hiệu của đồng bằng còn rất hạn chế. Huy động nguồn lực tổng hợp cho phát triển kinh tế biển chưa tương xứng tiềm năng. Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng biển, đảo và ven biển chưa nhiều, cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng các khu, điểm du lịch còn thấp kém.
Yêu cầu xây dựng và phát triển thương hiệu biển xanh cho đồng bằng với đặc thù biển đảo độc đáo, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, gắn với các doanh nghiệp mạnh, uy tín đang là đòi hỏi bức thiết, cần có tư duy, tầm nhìn, chiến lược, hoạch định hệ thống cơ chế, chính sách và nỗ lực thực thi hiệu quả. Yêu cầu đặt ra là định danh rõ từng "thương hiệu con" của doanh nghiệp, địa phương trong thương hiệu chung của vùng và cần bắt đầu từ doanh nghiệp, đặt trong các mối quan hệ thị trường, chịu sự tác động và điều chỉnh của cơ chế thị trường. Chính thị trường sẽ tạo ra thử thách và sức sống cho thương hiệu, tránh sự thô cứng của quy định hành chính. Đó cũng chính là không gian địa lý và không gian sáng tạo vật chất, tinh thần làm nên thương hiệu biển độc đáo.
Doanh nghiệp và người dân trong các ngành kinh tế biển là "mắt xích" quan trọng, vừa là "đầu vào" vừa là "đầu ra" tạo nên thương hiệu trong lòng khách hàng. Xây dựng thương hiệu biển xanh cho đồng bằng cũng rất cần được trợ lực bằng các cơ chế, chính sách, quy định pháp lý và thực thi nghiêm trong việc bảo hộ thương hiệu.
Không gian phát triển mới, cách tiếp cận mới từ góc nhìn thương hiệu biển xanh cho đồng bằng khác căn bản cách tiếp cận phát triển kinh tế đất liền. ĐBSCL có quyền và có khả năng để mở rộng cánh cửa phát triển vươn ra biển lớn, vượt lên dấu chân lấm bùn của nền nông nghiệp truyền thống để làm giàu từ biển.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)