Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 10, quận 4, TP HCM - chia sẻ như trên về hoàn cảnh của bé gái Nguyễn Xuân N. (8 tuổi) và em trai Nguyễn Phúc A. (6 tháng tuổi) phải chịu cảnh mồ côi mẹ (chị Đỗ Thị Thảo, 35 tuổi - vừa mất vì Covid-19).
Không thể cầm lòng
Trên đường đưa chúng tôi đến nhà bé N., chị Nhung nói trước khi đưa tro cốt của chị Thảo về với gia đình, chị đã không cầm được nước mắt khi đến nhà thăm hỏi chị em bé N. và chứng kiến hình ảnh cô chị luôn miệng dỗ em: "Nín đi em, mẹ sắp về rồi!". "Thương vậy nhưng do cả cha và 2 bé đều là F0 vừa hoàn thành cách ly nên không thể đến gần an ủi các cháu thì hỏi anh sao mà không rơi nước mắt" - chị Nhung nói. Khi dịch Covid-19 tràn đến, con hẻm nhỏ 122 Tôn Đản - nơi chị em bé N. đang sinh sống - đã chứng kiến bao cảnh bi thương với 10 cháu bé bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi.
Hai anh em Hữu K. và Tường V. cùng học trước bàn thờ ba mẹ .Ảnh: Ý LINH
Cũng giống chị Nhung, vừa đến trước nhà bé N., nhìn cô bé gầy nhom ẵm trên tay đứa em đang thiu thiu ngủ, trên cao là 3 lư hương mới nguyên, mà mắt chúng tôi cay xè. Từ sau nhà đi ra, anh Nguyễn Văn Toàn (37 tuổi, cha của 2 bé, vừa hoàn thành cách ly về - PV) xoa đầu con gái trước khi bắt đầu câu chuyện. Anh nói đến giờ anh vẫn chưa thể chấp nhận được sự thật. Anh kể vợ anh là người mắc Covid-19 đầu tiên trong nhà, sau đó đến cha con anh và ông bà ngoại mấy đứa nhỏ. Cả nhà được đưa đi cách ly ở 3 nơi, do sức khỏe anh tốt hơn cả nên được cách ly cùng 2 con. "Để rồi, rạng sáng 15-8, nhận cuộc gọi từ bệnh viện thông báo vợ mất, từ khu cách ly tập trung tôi chỉ biết gào khóc. Vài ngày sau, liên tiếp 2 cuộc gọi báo tin cha mẹ vợ lần lượt ra đi, tôi thực sự không còn nước mắt để khóc" - anh Toàn vừa gãi lưng cho bé A. ngủ vừa kể với ánh mắt thẫn thờ.
Đưa tay chỉ về hướng góc nhà nơi cha con trải tấm đệm ngủ, anh Toàn nói từ ngày trở về từ khu cách ly, đêm nào N. cũng khóc vì nhớ mẹ. "Thương con, nhớ vợ, tôi chỉ biết lấy quần áo của bà xã đặt phía trên đầu để cha con cùng cảm nhận vợ hiền vẫn đang bên cạnh cha con" - không kìm được cảm xúc, người đàn ông vốn khô khan bỗng bật khóc. Thấy cha khóc, bé N. cũng khóc theo và nói: "Áo mẹ thơm lắm chú ơi, em con và con ngửi mùi này là ngủ được liền!".
Cũng như chị em N., ở trong căn phòng trọ trên đường Nguyễn Cửu Phú (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM), những ngày này, 2 anh em Hữu K. (11 tuổi) và Tường V. (6 tuổi) vẫn luôn cố tìm cái mùi quen thuộc của mẹ qua những kỷ vật thân quen.
Hôm chúng tôi đến, trong căn phòng trọ lụp xụp, tranh tối tranh sáng, K. đang dạy em gái viết chữ theo yêu cầu của cô giáo sau buổi học online. Không có bàn ghế, 2 đứa trẻ nằm học trên nền gạch, trước bàn thờ của ba và mẹ. "Em viết sai rồi, phải viết như anh nè, thấy chưa?" - K. vừa nói vừa chỉ vào hàng chữ mẫu đã viết. Bị anh la, V. ngồi bật dậy, nấp vào bàn thờ mẹ rấm rứt khóc, bỏ lại trang vở dở dang. Thương cháu, anh Nguyễn Hữu Khánh (32 tuổi, chú ruột của K. và V.) ôm V. dỗ dành: "Phải học để biết chữ nghen con".
Ứa nước mắt trước cảnh nhà của 2 đứa trẻ mồ côi, bà Phụng (chủ khu nhà trọ - PV) nói: "Mẹ mấy đứa nhỏ biết dạy chứ chú nó đâu biết chữ. Hai anh em phải tự dạy nhau học, mà tụi nó nhỏ quá, dạy dỗ được gì đâu". Chỉ vào căn phòng đóng kín cửa kế bên, bà Phụng kể hơn tháng trước, 3 mẹ con ở một phòng, chú với bà nội ở một phòng. Từ khi mẹ mất, chú đưa 2 anh em qua ở chung. Vậy mà hễ chiều tối, nhớ mẹ, tụi nhỏ lại đứng nhìn về bên đó khóc. "Nhà nghèo nhưng 2 đứa nhỏ được mẹ chăm kỹ lắm, đứa nào cũng trắng trẻo, khỏe mạnh. Vậy mà bây giờ…" - bà Phụng xúc động vì thương người mẹ trẻ sớm lìa xa con thơ, cám cảnh cho 2 đứa trẻ chưa kịp hiểu chuyện đã mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Ở phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP HCM, căn phòng chật hẹp của 3 mẹ con bé Tiểu Đ. (10 tuổi) và Tiểu T. (5 tuổi) lâu lắm rồi vắng hẳn tiếng cười. Hai đứa trẻ vốn có một gia đình êm ấm, nhiều tiếng cười bên cha mẹ, ông bà. Nhưng thoáng chốc, vì Covid-19 mà chị em Tiểu Đ. phải 2 lần quấn tang ông nội và ba trong vòng 3 ngày.
Từ cửa chính, nơi đặt bàn thờ của ba chồng và chồng, chị Thương (48 tuổi, mẹ của Tiểu Đ.) dắt chúng tôi đi sâu vào bên trong nhà. Hai bên lối đi chất đầy đồ lạc xoong, nền nhà lởm chởm những mảng xi măng xù xì đã bong tróc gần hết. Vừa nghe chúng tôi nhắc đến ba, cô bé Tiểu Đ. bỗng khóc nấc: "Con thương ba lắm, ba cực khổ nuôi tụi con mà tụi con chưa kịp lớn để nuôi lại ba. Ba mất, con cũng không được nhìn mặt ba lần cuối". Với Tiểu T., xem ra sinh ly tử biệt vẫn là chuyện mà tâm trí non nớt của em chưa thể nào hiểu nổi. Nghe nhắc đến ba, T. ngây thơ hỏi mẹ: "Ba chết rồi hả mẹ", khiến người chứng kiến không khỏi thương cảm.
Mong lắm những phép mầu
Được đi học, mong muốn ngỡ bình dị lại trở thành ước mơ có phần chông chênh của những đứa trẻ bỗng chốc mất đi chỗ dựa lớn nhất trong đời. Trong căn phòng vỏn vẹn 9 m2 tối tăm, ngồi bên chiếc bàn được kê sát cửa ra vào để lấy ánh sáng, nghe nhắc về ước mơ, Tiểu Đ. chỉ ước được đi học để tìm việc đỡ khổ hơn ba mẹ!
Gọi là bàn học nhưng thực chất bên dưới những trang vở sạch đẹp của Tiểu Đ. là chiếc hộp thiếc cũ, "mặt bàn" là thùng mì gói (nhưng ruột nhét giấy vụn để tạo độ cứng cho mặt bàn). Sợ ảnh hưởng tới buổi học online của con, chị Thương nhỏ nhẹ tâm sự chồng chị vốn là thợ gia công cơ khí, thu nhập tuy không cao nhưng cộng với việc chị bán hủ tiếu gõ ở đầu đường, trước dịch, mỗi ngày chị kiếm được 70.000-100.000 đồng để phụ chồng nuôi 2 con ăn học. "Giờ ảnh không còn. Tôi không biết có nuôi nổi cho 2 đứa ăn học đến nơi đến chốn như ảnh từng mong ước không" - chị Thương bật khóc. Chị nói giờ chỉ có phép mầu mới có thể giúp di nguyện của chồng thành hiện thực.
Quay lại câu chuyện với anh em Hữu K., anh Hữu Khánh nhớ lại những ngày dịch bùng lên, cả gia đình thất nghiệp đều ở yên trong phòng trọ nên không ai biết vì sao chị Phương lại mắc Covid-19. Sau khi phát hiện bệnh, chị được đưa đến khu cách ly tập trung để điều trị và mất ở đó. Chị dâu ra đi quá đường đột, cả gia đình cũng không được gặp mặt nhau lần cuối, không kịp nghe chị trăn trối, dặn dò điều gì.
Anh Khánh cho hay trước dịch, anh làm phụ xe nhưng cũng không mấy dư dả. Hơn 1 tháng qua, cả gia đình 4 người (gồm 2 anh em Hữu K. và mẹ anh Khánh - PV ) phải sống lay lắt qua ngày, nhờ vào gạo và thực phẩm hỗ trợ của địa phương. "Mất cha còn chú mà, nhưng nói thật, tôi chỉ cố gắng hết sức có thể để lo cho 2 cháu côi cút thôi, chứ không dám chắc điều gì về tương lai của 2 đứa nhỏ" - anh Khánh nói. Cũng như chị Thương, anh Khánh cũng cho rằng ước mơ được đi học đến nơi đến chốn của anh em Hữu K. khó thành hiện thực nếu phép mầu không xảy đến.
Để bớt phần ảm đạm, tôi quay sang hỏi Hữu K. như để dỗ dành: "Ráng học giỏi để phụ chú, phụ nội nuôi em nghen con. Lớn lên, con muốn làm nghề gì?". Hữu K. không trả lời ngay mà cúi mặt, tay mân mê quần áo rồi thỏ thẻ đáp: "Hồi còn sống, mẹ dạy tụi con phải ráng học để biết chữ, biết chữ mới có việc làm, mới không sợ đói, không sợ nghèo nữa. Con ước 2 anh em đều biết chữ để có việc làm".
Tương tự, nhắc về tương lai con trẻ, anh Toàn cũng chỉ biết rằng cố làm hết sức để lo cho con mà thôi chứ chưa dám khẳng định điều gì, bởi vừa chạy ăn vừa phải chăm sóc cho 2 con đã là quá sức. "Hy vọng ở nơi xa, bà xã tôi phù hộ cho mấy cha con mạnh khỏe và gặp nhiều may mắn" - anh Toàn vừa nói vừa đưa mắt nhìn di ảnh vợ. Với anh bây giờ, chỉ có thêm may mắn, anh mới có khả năng lo cho con được chu toàn như tin nhắn của vợ ngay đêm hôm trước ngày đi xa.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-9
Hãy chắp cánh cho trẻ mồ côi
Để chung tay chăm lo cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, biến ước mơ của trẻ thành hiện thực, Báo Người Lao Ðộng phát động chương trình "Tình thương cho em".
Vì tính cấp thiết của tình hình thực tế và vì ý nghĩa nhân văn của cuộc vận động, Báo Người Lao Ðộng mong quý tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đồng hành với chương trình "Tình thương cho em". Khoản vận động đóng góp vui lòng gửi vào tài khoản: 117000004884 tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM. Ðơn vị tiếp nhận: Báo Người Lao Ðộng. Nội dung: Ủng hộ chương trình "Tình thương cho em".
Bình luận (0)