Cũng theo các chuyên gia, mức thưởng bình quân khoảng 1 tháng lương cơ bản, các ngành tài chính, ngân hàng… sẽ có mức thưởng cao hơn hẳn.
Đây mới là báo cáo tổng hợp từ các doanh nghiệp (DN) báo cáo về các địa phương rồi chuyển lên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước còn nhiều DN, đơn vị, địa phương chưa có thông tin về thưởng Tết. Song đã thành thông lệ và hàng chục năm qua, câu chuyện thưởng Tết vẫn chỉ có chừng đó nội dung, nhân vật và lời thoại hầu như không thay đổi gì đáng kể. Nếu có thay đổi thì đó là thay đổi có tính cục bộ, đột biến ở DN, nhờ ăn nên làm ra mà cải thiện đáng kể lương, thưởng, tạo sự phấn khởi, động lực lớn cho người lao động (NLĐ). Như tại Công ty CP May Sài Gòn 3 (TP HCM), mỗi công nhân được thưởng 3 tháng lương thực lĩnh (bình quân gần 30 triệu đồng). Mức thưởng ổn định và có tăng thêm cũng ngày càng nhiều tại DN các thành phần kinh tế ở TP HCM, chứng tỏ sự quan tâm của nhiều người sử dụng lao động (NSDLĐ) và công đoàn (CĐ) cơ sở, cụ thể hóa bằng điều khoản trong thỏa ước lao động tập thể.
Lâu nay, chuyện thưởng Tết là tế nhị và được xem như một tập tục của một số nước châu Á, từ những nhà xưởng nhỏ tiến dần lên xí nghiệp, công ty lớn, qua tục lệ ông chủ "lì xì" cho người làm công mà thành. Khi xây dựng pháp luật lao động, tham khảo chuyên gia lao động quốc tế và thông lệ quốc tế, Việt Nam trong xu thế hòa nhập đã không luật hóa việc này, chỉ đưa vào nội dung khuyến khích NSDLĐ nên có tiền thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Những nơi có quan hệ lao động tiến bộ thì xây dựng được bản thỏa ước lao động tập thể, quy định rõ ràng về thưởng Tết, về lương tháng 13, cứ theo đó mà thực hiện.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ có những DN làm ăn bết bát mới không có thưởng mà ở những nơi làm ăn khấm khá, NSDLĐ lại thiếu thiện chí, không thưởng Tết hoặc thưởng quá thấp. Thưởng Tết dương lịch 2017 và nguyên đán Đinh Dậu năm trước có nơi 30.000 đồng (tại DN FDI ở Thanh Hóa), 50.000 đồng/người tại DN ở Bến Tre và một số DN FDI tại Thái Bình, Tây Ninh, Hải Dương. Vấn đề thưởng chênh lệch dù bao nhiêu lần đi nữa, đến nay đã là thường tình trong nhận thức của nhiều người, song mức thưởng ít ỏi đến độ chỉ đủ ăn 1-2 tô phở bình dân nhất lại là chuyện mà NSDLĐ phải xem lại chính mình.
Khi nào thì chuyện thưởng Tết không còn là sự loay hoay giữa một tập tục, một nếp sinh hoạt và đạo lý, ứng xử vẫn là câu hỏi khó trả lời. Ở góc độ DN, công sức của NLĐ góp phần ăn nên làm ra, có lợi nhuận; NSDLĐ quan tâm tới NLĐ thì thưởng Tết sẽ như một tất yếu và ngược lại. Khép lại một năm, mong sao ai cũng có Tết. Đừng để giáo viên, nhân viên hành chính sự nghiệp ở những tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa chạnh lòng. Người nào được thưởng cao, mừng cho người đó, song đừng mang tiếng là thưởng mà mức thấp đến độ không thể không buồn.
Bình luận (0)