Tại tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từng dính không ít tai tiếng trong công tác thu phí phương tiện khi giao cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh (nay là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh - gọi tắt Công ty Yên Khánh) của nữ doanh nhân Vũ Thị Hoan (SN 1985).
Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ Ảnh: KHÁNH LINH
Điều khiến dư luận băn khoăn là tại sao Công ty Yên Khánh có thể mua quyền thu phí khi việc này đang được giao cho Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) thực hiện thời điểm năm 2012.
Nữ doanh nhân Vũ Thị Hoan thời điểm đó đã ký văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất sẽ tiếp nhận và thực hiện công tác tổ chức, quản lý thu phí từ ngày 5-7-2012. Chỉ 1 tuần sau đó (ngày 12-7), ông Nguyễn Hồng Trường, khi đó là Thứ trưởng Bộ GTVT, đã ký văn bản yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) xem xét đề nghị này của Công ty Yên Khánh. Đến tháng 10-2012, VEC chính thức xin Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho Công ty Yên Khánh thực hiện thu phí trên tuyến cao tốc này. Công ty Yên Khánh còn được tiếp nhận toàn bộ tài sản phục vụ công tác thu phí hiện có, bao gồm cả khu nhà ở cho công nhân thu phí.
Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, Công ty Yên Khánh đã "đánh bật" VEC O&M để thực hiện quyền thu phí. Những hoài nghi về việc công ty này được ưu ái để thâu tóm quyền thu phí đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Công ty Yên Khánh và các doanh nghiệp (DN) do cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc) điều hành đã hé lộ phần nào nguyên nhân.
Từ năm 2012 đến cuối năm 2017, Công ty Yên Khánh tổ chức thu phí trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong khi thời hạn được Bộ GTVT chấp thuận chỉ là 1 năm. Theo tìm hiểu của phóng viên, trong khoảng thời gian thu phí quá hạn cho phép trên, công ty này không đề xuất được phương án chuyển nhượng quyền thu phí mà chỉ thực hiện công tác thu phí theo các đợt gia hạn.
LS-TS BÙI QUANG TÍN (Đoàn Luật sư TP HCM):
Bán quyền thu phí sẽ phát sinh rắc rối
Về nguyên tắc, chủ dự án BOT được quyền thu phí trực tiếp hoặc thuê công ty dịch vụ thu phí, giống như ngân hàng thu hộ tiền điện, nước... Thế nhưng, vì một lý do nào đó mà chủ dự án BOT bán quyền thu phí cho một DN khác thì chủ đầu tư vẫn phải bảo đảm mọi nghĩa vụ đối với nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xem xét nhà nước có cho phép chủ dự án BOT bán quyền thu phí hay không. Nếu được phép thì nhà nước cần phải rà soát kỹ lưỡng nghĩa vụ của DN mua quyền thu phí, được thể hiện tại hợp đồng mua bán với chủ dự án BOT.
Theo tôi, việc chủ dự án BOT bán quyền thu phí cho DN khác có thể dẫn đến nhiều rắc rối, bởi DN có thể gian lận trong quá trình thu phí. Khi đó, ngoài việc thẩm định năng lực, giám sát chủ dự án BOT, nhà nước còn phải kiểm tra, giám sát hoạt động của DN mua quyền thu phí BOT. Trong khi đó, nhiều năm qua, công tác quản lý, giám sát việc thu phí của chủ dự án BOT luôn phát sinh nhiều vấn đề rối ren. Còn việc chống gian lận thu phí thì bằng cách thức nào đó, nhà nước trang bị hệ thống công nghệ nhằm tiếp nhận ngay lập tức số tiền chủ phương tiện giao thông chi trả khi qua trạm BOT.
Th.Thơ ghi
Bình luận (0)