Chiều 11-12, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp bàn giải pháp hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi ngập do mưa lớn và thủy điện xả lũ.
UBND tỉnh Đắk Nông họp bàn hỗ trợ người dân bị thiệt hại
Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, từ ngày 28-11 đến 1-12, tại tỉnh Đắk Lắk có mưa to đến rất to. Mưa lớn kéo dài đã khiến lượng nước ở thượng nguồn sông Krông Ana đổ về sông Sêrêpốk và sông Krông Nô rất lớn. Tại huyện Krông Nô (bên dưới nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah), 107 căn nhà bị ngập và 60 hộ dân phải di dời, 162 lồng có cá chết, bị cuốn trôi… - thiệt hại khoảng 50 tỉ đồng.
Hồ chứa nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah không có khả năng điều tiết lũ
Tại huyện Cư Jút (đoạn dưới hồ thủy điện Buôn Kuốp), nước lũ đã cuốn trôi nhiều lồng bè nuôi cá của người dân trên sông Sêrêpốk, ngập 5 căn nhà, nhiều chuồng trại chăn nuôi, gần 7ha cây trồng… - thiệt hại ước tính khoảng 10 tỉ đồng.
Theo đại diện lãnh đạo huyện Cư Jút và Krông Nô, thiệt hại của người dân trong đợt lũ vừa qua là rất lớn. Chính quyền địa phương và người dân mong Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị vận hành 2 nhà máy thủy điện) có những hỗ trợ để chia sẻ thiệt hại của người dân. Các địa phương cũng mong phía thủy điện sẽ phối hợp tốt hơn trong việc cảnh báo để tránh những thiệt hại như vừa qua.
Khu vực lồng bè nuôi cá của người dân nằm cách đập thủy điện Buôn Tua Srah chỉ vài km
Lãnh đạo Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã thông tin về diễn biến quá trình vận hành, điều tiết xả lũ của Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah và Buôn Kuốp, khẳng định vận hành xả lũ đúng quy định. "Chúng tôi xin được phép chia sẻ, hỗ trợ một phần thiệt hại, mất mát của người dân trong đợt mưa lũ vừa qua. Rất mong phía tỉnh và các huyện sẽ cùng đồng hành, hỗ trợ người dân giảm bớt thiệt hại" - ông Trần Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, nói.
Thủy điện xả lũ, khu vực nuôi cá của người dân nước dâng cao khoảng 5m
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên khẳng định những thiệt hại quá lớn trong mùa mưa lũ vừa qua chủ yếu là do nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, vẫn có phần chủ quan trong phòng, chống lũ từ phía các đơn vị, chính quyền và người dân. Do đó, ông Yên yêu cầu thời gian tới, phía thủy điện phải phối hợp với các địa phương một cách chặt chẽ, có những cảnh báo chủ động hơn để người dân triển khai các biện pháp phòng chống lũ.
"Tỉnh và huyện sẽ trích quỹ phòng chống thiên tai và các quỹ khác, cùng nguồn hỗ trợ của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, tái thiết cuộc sống" - ông Lê Trọng Yên nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên (phải) thị sát tại khu vực lồng bè nuôi cá của người dân bị cuốn trôi
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, vào rạng sáng 3-12, nhà máy thủy điện Buôn Kuốp đã xả lũ với lưu lượng lớn, cuốn trôi nhiều lồng bè nuôi cá của người dân. Trong đó, gia đình bà Nguyễn Thị Hoan (SN 1966; ngụ thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút) - bị cuốn trôi 20 lồng bè nuôi cá, trị giá hơn 5 tỉ đồng. Xót xa vì toàn bộ tài sản, vốn liếng bị nước từ thủy điện cuốn trôi trong tích tắc, bà Hoan đã khóc nức nở.
Bình luận (0)