Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông vừa báo cáo Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đắk Nông về tình hình vận hành các hồ, đập công trình thủy điện trên địa bàn. Theo đó, mưa lớn đã gây ra sự cố mất an toàn tại các công trình thủy điện Đắk Kar, Đắk Sin 1 và Đắk Ru.
Thoát nguy nhờ... mưa giảm
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, thủy điện Đắk Kar được Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch với công suất 12 MW, nằm trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước, chưa được phê duyệt phương án tích nước, vận hành.
Từ ngày 7-8, mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về nhiều nên mực nước hồ tăng nhanh. Từ 2 giờ ngày 8-8, chủ đầu tư nâng cửa van nhưng không được, mực nước hồ tiếp tục tăng và tràn qua đỉnh cửa van. Chiều 9-8, mực nước hồ giảm, chủ đầu tư huy động xe cẩu kết hợp tời palăng tay để kéo cửa van lên nhưng đến chiều 10-8 mới nâng được.
Cần nói thêm, việc kẹt cửa xả đã khiến nước tràn qua một số vị trí thân đập (làm bằng đất), đe dọa an toàn thân đập, buộc chính quyền phải sơ tán khẩn cấp hơn 5.500 người dân 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông. Rất may là mưa giảm, nước thượng nguồn về ít cộng với việc vỡ đường ống áp lực đã giải phóng được lượng nước. Bên cạnh đó, trước khi mưa, hồ với dung tích hơn 12 triệu m3 này chưa tích nước, nếu hồ đầy thì không biết chuyện gì đã xảy ra?
Một công trình thủy điện khác cũng "banh chành" trong đợt mưa vừa qua là Đắk Sin 1, công suất 28,4 MW (tại huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông). Nguyên nhân cũng được xác định là do mưa lớn làm sạt lở kênh dẫn, gãy tuyến ống áp lực, nước đổ về gây ngập toàn bộ nhà máy. Tuyến đường vào nhà máy dài khoảng 5 km sạt lở nhiều đoạn, cô lập nhà máy. Sau khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư đã cắt điện và đưa các bộ vận hành ra khỏi nhà máy, đóng cửa nhận nước và mở cửa xả tràn để bảo đảm an toàn đập.
Đối với thủy điện Đắk Ru (công suất 7,5 MW; tại huyện Đắk R’lấp) mưa lớn cũng làm sạt lở đường vận hành, tuyến kênh dẫn nước và phải mất nhiều thời gian mới khắc phục xong.
Hệ thống cửa xả của thủy điện Đắk Kar bị kẹt, đe dọa an toàn vùng hạ du
Mất rừng, đe dọa an toàn hồ đập
GS-TS Bảo Huy (Trường ĐH Tây Nguyên) cho rằng ở Việt Nam, khi xây dựng các nhà máy thủy điện đều được đánh giá tác động môi trường, trong đó có nội dung xây dựng lưu vực hồ chứa nhưng chỉ mang tính hình thức. Khi xây dựng, cả chủ đầu tư và cơ quan quản lý không bao giờ quan tâm việc bảo vệ rừng đầu nguồn, lưu vực của hồ chứa. Không có rừng để giữ nước, mưa lớn vài ngày là nước ồ ạt đổ về hồ chứa thủy điện, đe dọa an toàn hồ đập.
GS-TS Bảo Huy nhấn mạnh: "Rừng giữ 70%-80% lượng nước mưa. Một thủy điện phải có một lưu vực tương ứng mới điều hòa được nguồn nước nhưng chúng ta chưa quan tâm nên khi mưa lũ đe dọa công trình thủy điện là điều tất yếu. Khi phá rừng làm thủy điện, nhà nước thường giao chủ đầu tư trồng rừng thay thế, coi như trả lại rừng. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm bởi thường trồng rừng keo, sau 5 năm khai thác là mất rừng. Bên cạnh đó, rừng trồng không thể thay thế rừng tự nhiên về mặt thủy văn, đa dạng sinh học và thường trồng ở nơi khác, không bảo vệ lưu vực".
GS-TS Bảo Huy phân tích tiếp: "Khi lũ lụt, các thủy điện thường khoe xả lũ bằng hoặc ít hơn lưu lượng nước về hồ, tham gia cắt lũ. Thực tế, khi chưa có nhà máy thủy điện, rừng ở lưu vực đã giữ được nước, lưu lượng nước về ít hơn khi đã xây dựng nên không thể so sánh như thế".
Nhìn tổng thể, GS-TS Bảo Huy cho rằng không thể phủ nhận mặt tích cực của thủy điện nhưng việc xây dựng ồ ạt thủy điện trên đất rừng là rất đáng quan ngại. Ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung, các dòng sông đã quá tải thủy điện, cứ thấy có nước là chặn lại làm thủy điện mà không quan tâm quy hoạch sao cho phù hợp, gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, xã hội.
"Mưa vài ngày đã vậy, mưa một tuần thì thủy điện đua nhau tháo lũ hết. Riêng dòng sông Sêrêpốk có rất nhiều thủy điện nhưng rừng đầu nguồn đã bị tàn phá gần hết. Nếu một thủy điện đầu nguồn gặp sự cố thì kéo theo các thủy điện bên dưới, vô cùng nguy hiểm" - GS-TS Bảo Huy cảnh báo.
Thiếu phối hợp trong xả lũ
Theo báo cáo của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị quản lý 3 nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Sêrêpốk), trong đợt mưa lũ vừa qua, công ty nhận được thông tin về mực nước tại Trạm Thủy văn Bản Đôn khi đã vượt ngưỡng mức báo động III thay vì khi vượt ngưỡng mức báo động I theo quy định tại điều 30 Quy trình Vận hành liên hồ chứa.
Ngoài ra, trong quá trình vận hành giảm lũ cho hạ du đối với hồ chứa thủy điện Sêrêpốk 3, công ty không nhận được diễn biến mực nước của Trạm Thủy văn Bản Đôn để chủ động tính toán chế độ vận hành. Do vậy, công ty kiến nghị có giải pháp khai thác số liệu mực nước trực tuyến theo thời gian thực tại các trạm thủy văn trong mùa lũ thời gian tới.
Bình luận (0)