Ngày 18-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã có báo cáo công tác vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương trong đợt mưa lũ từ ngày 13 đến 16-11.
Theo số liệu mà cơ quan này đưa ra, vào cùng thời điểm lúc 19 giờ ngày 14-11, tổng lưu lượng nước hai hồ Tả Trạch (sông Tả Trạch - một nhánh sông Hương) và Bình Điền (nhánh hữu trạch sông Hương) nhận là 8.289 m3/s; tổng lưu lượng lớn nhất 2 hồ vận hành về hạ du cùng thời điểm là 4.505m 3/s lúc 21 giờ cùng ngày, cắt giảm 46% đỉnh lũ (năm 2020 là 4.205 m3/s).
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết tổng lượng nước về hồ Tả Trạch và Bình Điền là 773 triệu m3 và đã vận hành cắt lũ cho hạ du là 246 triệu m3, 527 triệu m3 xả về hạ du. Mực nước cao nhất trên sông Hương tại trạm thủy văn Kim Long (TP Huế) ở mức +4,34 m lúc 17 giờ ngày 15-11.
Theo tính toán nếu không có hồ Tả Trạch và thủy điện Bình Điền vận hành giảm lũ, mực nước trên sông Hương tại trạm thủy văn Kim Long có thể vượt mức +5,5 m (đỉnh lũ năm 1999 là +5,81 m). Như vậy, vận hành hồ đã cắt giảm khoảng 1,16 m đỉnh lũ sông Hương.
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết từ ngày 10-11, đơn vị này đã xây dựng 4 kịch bản vận hành hồ chứa nhằm ứng phó với đợt lũ lụt này. Và theo quy định thì việc vận hành hồ chứa thực hiện trước 48 tiếng so với dự báo mưa lũ nhưng nhằm chuẩn bị sẵn sàng đón lũ, từ ngày 10-11 (trước 72 giờ), Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có lệnh vận hành hồ chứa Tả Trạch, Bình Điền.
Đợt lũ đã làm ngập nặng hạ du sông Hương.
Còn đối với lưu vực hồ thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ, lũ xuất hiện 2 đợt. Hồ này đã cắt lũ cho hạ du khoảng 97 triệu m3, vận hành về hạ du 430 triệu m3. Ở đợt 1, vào lúc 2 giờ ngày 14 - 11, tại trạm thủy văn Phú Ốc mực nước sông Bồ đạt đỉnh +3,33 m và nếu không có hồ Hương Điền thì mực nước có thể lên trên +4,5m.
"Như vậy vận hành hồ đã cắt giảm khoảng 1,17m nước cho sông Bồ. Còn vào đợt lũ thứ 2, vào thời điểm 18 giờ ngày 15-11, do đã đạt mực nước dâng bình thường nên không còn khả năng giảm lũ cho hạ du. Vì vậy, khi lưu lượng về hồ lớn nhất 3.333 m3/s thì đều được vận hành về hạ du" - báo cáo nêu.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng trong đợt lũ vừa qua, độ chính xác các bản tin dự báo mưa là một trong những khó khăn ảnh hưởng đến quá trình vận hành liên hồ chứa. Đây là khó khăn khách quan chung do tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và dự báo định lượng mưa cực khó, mưa không đều giữa các khu vực, mưa cực đoan trong thời gian ngắn và cực đoan khu vực hạ du sau đập.
CLIP: Huế ngập nặng sau nhiều cơn mưa lớn
Cơ quan này nhận xét rằng các chủ hồ chứa trong quá trình vận hành cơ bản chấp hành tốt, nhưng cũng còn có lúc chưa đảm bảo yêu cầu. Chưa có thiết bị đo kiểm soát, giám sát lưu lượng vận hành qua tràn.
Theo thống kê, đến nay, mưa lũ đã làm cho 3 người ở Thừa Thiên – Huế chết, 2 người bị thương do sạt lở đất. Mưa lũ vừa qua đã làm khoảng 17.453 nhà dân bị ngập từ 0,3-1,0m; hơn 85% địa bàn TP Huế ở hạ du sông Hương bị ngập.
Bình luận (0)