Sáng 27-9, Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (TP Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (TP HCM) và quê hương Chủ tịch nước - xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Đồng chí, đồng bào quý mến, quốc tế trân trọng
Trong niềm tiếc thương sâu sắc, 2 ngày 26 và 27-9 có 1.658 đoàn với khoảng 50.000 người, đại diện các cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đã đến viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, TP HCM, tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, 164 đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế, trong đó có 16 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước, bạn bè quốc tế đã gửi thư, điện chia buồn cùng Đảng, nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Từ sáng sớm 27-9, các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng và nhà nước, đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân đã đến dự Lễ tiễn biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Đúng 7 giờ 30 phút, Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang được cử hành trọng thể.
Dự Lễ truy điệu tại Nhà Tang lễ Quốc gia có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh… Cùng dự có nguyên Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh; các nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các lãnh đạo Đảng, nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước, MTTQ, các bậc lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức, đại diện các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, tôn giáo, đông đảo các tầng lớp nhân dân, cùng gia quyến Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM), dự Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP HCM; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương khu vực phía Nam; các tầng lớp nhân dân TP HCM.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Lễ tang - đọc điếu văn, tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động, công tác của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Hơn 45 năm hoạt động, công tác, từ khi là học viên Trường Cảnh sát Nhân dân Trung ương đến khi giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an rồi Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động, công tác của đồng chí gắn liền với lực lượng Công an Nhân dân, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Điếu văn cũng nêu rõ: "Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nhà nước, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất của Đảng, thương yêu đồng chí, đồng bào; thực sự cầu thị, khiêm tốn học hỏi, trân trọng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, được đồng chí, đồng bào quý mến, bạn bè quốc tế trân trọng. Trong gia đình, đồng chí là người chồng, người cha mẫu mực, đức độ và giàu lòng nhân ái. Với 63 tuổi đời, 38 năm tuổi Đảng, đồng chí Trần Đại Quang đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc và hạnh phúc của nhân dân".
Trong nền nhạc trầm hùng của bài "Hồn tử sĩ", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước đã đưa linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang ra cỗ linh xa, tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang về nơi an nghỉ cuối cùng là quê hương Ninh Bình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc điếu văn tưởng nhớ và đưa tiễn Chủ tịch nước Trần Đại QuangẢnh: TTXVN
Góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Trong điếu văn tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Lễ tang, nhìn nhận: "Từ sau kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII tháng 4-2016 đến nay, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, nhà nước tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật. Qua đó, đã tích cực góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế".
Hàng ngàn người dân đội mưa ngậm ngùi đưa tiễn Chủ tịch nước về với đất mẹ Ảnh: Tuấn Minh
Quê nhà, người dân ngậm ngùi rơi lệ
Ngày thứ hai Lễ Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tại quê nhà Ninh Bình trời đổ mưa lớn nhưng không ngăn được dòng người từ khắp mọi miền tiến về xóm 13, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn từ rất sớm để theo dõi Lễ truy điệu và Lễ an táng Chủ tịch nước. Khi Lễ truy điệu diễn ra, hàng ngàn người dân theo dõi các nghi lễ qua màn hình tivi ai cũng ngậm ngùi tiếc thương cho sự ra đi của vị lãnh đạo vì nước, vì dân, người con ưu tú của quê hương Quang Thiện. Có người bật khóc khi chứng kiến cảnh đội tiêu binh tiến hành các nghi lễ đưa linh cữu Chủ tịch nước lên linh xa rời nhà Tang lễ Quốc gia trở về quê nhà.
Trong lúc linh xa Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên đường trở về quê nhà Ninh Bình, dòng người đổ về nơi an nghỉ của ông ngày một đông. Lúc này, dù trời mưa nặng hạt nhưng người dân đổ về khu vực an táng càng nhiều, họ đứng chờ hàng giờ dưới mưa chỉ mong được nhìn thấy Chủ tịch nước lần cuối. Đứng ngoài hàng rào an ninh, dõi ánh mắt vào khu vực làm lễ, bà Trần Thị Giữa (70 tuổi, ngụ huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) cho biết bà chưa một lần được gặp Chủ tịch nước, chỉ biết ông qua báo đài, thế nhưng khi hay tin Chủ tịch nước qua đời, bà đã lặn lội gần 30 km tìm về quê ông dự Lễ an táng. "Bản thân tôi rất đau buồn, tiếc thương cho vị Chủ tịch nước xuất thân từ gia đình nghèo khó, hiếu học. Ông mất đi khi tuổi đời đang còn trẻ, việc nước còn dở dang…" - bà Giữa ngậm ngùi.
Là người con của Quang Thiện và sống gần nhà nơi Chủ tịch nước Trần Đại Quang gắn bó những năm tháng tuổi thơ, bà Trần Thị Oanh cho hay đã mong ngóng Chủ tịch nước trở về từ nhiều ngày qua. Khi hay tin Chủ tịch nước sẽ được chôn cất tại quê nhà, bà Oanh cho biết dù đau buồn nhưng thấy ấm lòng. "Tôi là người trông nhà văn hóa xóm 13 nên cũng nhiều lần được gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang mỗi dịp ông ghé về thăm nhà, thăm quê. Ông là người sống nghĩa tình, dù nay ông đã không còn nữa nhưng khi biết ông được chôn cất tại quê nhà, nơi ông có nhiều kỷ niệm tuổi thơ, bà con chúng tôi cũng thấy ấm lòng" - bà Oanh chia sẻ.
Trời đã về chiều, Lễ an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hoàn tất nhưng hàng ngàn người dân Ninh Bình vẫn chưa muốn rời đi, nhiều người vẫn còn cố nán lại hướng mắt về khu mộ vị lãnh đạo yên nghỉ. Đối với nhiều người, đặc biệt là người dân xã Quang Thiện, họ không tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã qua đời, người con của quê hương đã yên giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng.
Bình luận (0)