Bà Thu cho biết bà đã tiêm mũi 3, sau đó nhiễm Covid-19 biến chủng Omicron hồi đầu tháng 3, bà trông chờ được tiêm mũi 4 do nằm trong nhóm nguy cơ cao. Theo anh Hồ Đình Đông, Phó Trạm Y tế phường 11 (quận Bình Thạnh), đến nay đã có 1.000 người dân tại phường tiêm vắc-xin mũi 4, đa số là người trong nhóm nguy cơ. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP HCM, tính đến ngày 19-6, thành phố đã tiêm hơn 21 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó mũi 3 là 64,1% và mũi 4 là 2,1%.
Tính đến ngày 21-6, TP Cần Thơ đã tiêm hơn 2,9 triệu liều vắc-xin Covid-19. Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã có ý kiến yêu cầu Sở Y tế và các đơn vị liên quan rà soát, thống kê cụ thể đối tượng cần tiêm mũi 3, mũi 4 để có kế hoạch triển khai tiêm chủng kịp thời. Ông Hiện cũng giao chỉ tiêu tiêm chủng cho từng địa bàn, sở, ban, ngành, đoàn thể; trong đó lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các đơn vị phải làm gương, đi đầu trong việc tiêm chủng. Theo ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 của tỉnh đến nay đạt 54,71%, mũi 4 đạt 5,3%. Lực lượng y tế cũng đang tăng cường vận động, tuyên truyền để người dân hiểu việc tiêm vắc-xin Covid-19 mũi tăng cường. Bác sĩ Võ Thanh Nhơn, Phó Giám đốc CDC tỉnh Tiền Giang, cho biết tiến độ tiêm vắc-xin cho nhóm trẻ em trên địa bàn chậm so với yêu cầu.
Ngày 22-6, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết địa phương đang tồn khoảng 210.000 liều vắc- xin, song vẫn còn hạn sử dụng. Đến thời điểm này, tỉnh Bình Dương đã triển khai tiêm 1,57 triệu liều mũi 3 (tỉ lệ 76,2%) và 31.933 liều mũi 4 (đạt 1,5%) cho người từ 18 tuổi trở lên. Riêng mũi 4, nếu tính tỉ lệ trên số người từ 50 tuổi trở lên thì đạt 8,6%.
Theo CDC TP Đà Nẵng, đối với người từ 18 tuổi trở lên, toàn thành phố đã tiêm mũi 3 cho gần 699.000 người (79,86%). Việc tiêm mũi 4 bắt đầu từ ngày 9-6 đến 20-6, toàn TP Đà Nẵng có 10.300 người tiêm (3,27%). Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), cho hay hiện nay người dân có tâm lý chủ quan trong phòng dịch Covid-19. Hiện tỉ lệ người đi tiêm phòng vắc-xin Covid-19 trên địa bàn rất thấp. UBND xã đang thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền để người dân đi tiêm vắc-xin.
Toàn tỉnh Quảng Bình đã triển khai tiêm được 8.245 liều mũi 4 (1,57%). Bác sĩ Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, nhận định tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 tại tỉnh đang chậm lại, nhiều địa phương còn dư nhiều vắc-xin.
Bác sĩ Lê Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc CDC TP HCM, cho biết tiêm mũi nhắc lại là rất cần thiết, giúp tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ do sau một thời gian, kháng thể sẽ giảm dần.
PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP HCM, cũng khuyến cáo nên tiêm vắc-xin Covid-19 mũi nhắc lại vì lợi nhiều hơn hại. "Tiêm chủ yếu là để bảo vệ cá nhân, còn vai trò bảo vệ cộng đồng là không lớn. Hiện dịch Covid-19 đã được kiểm soát, không ảnh hưởng đến cộng đồng mà chỉ ảnh hưởng đến cá nhân. Do đó, nếu để bảo vệ cá nhân thì nên để cá nhân lựa chọn" - PGS Dũng nói. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện tại có 7 nghiên cứu về hiệu quả của vắc-xin mũi 4. Hầu hết đều đánh giá tiêm mũi 4 là có hiệu quả.
Sóc Trăng: Vận động chứ không bắt buộc
Ngày 22-6, liên quan đến vụ ra thông báo về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin mũi 4 có nội dung bắt buộc người dân và đưa ra chế tài, ông Đặng Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, cho biết đã ký văn bản thu hồi thông báo đó để thay bằng thông báo khác. Lý do là do sơ suất trong quá trình soạn thảo nên một phó chủ tịch UBND huyện đã ký và cho phát hành. "Thông báo mới chỉ tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc-xin mũi 4 chứ không bắt buộc, đồng thời bỏ chế tài xử lý hành chính" - ông Phương xác nhận.
Bình luận (0)