xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiền đâu phải lá mít!

Hoài Phương

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu tiền khả thi từ cuối năm 2018 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, chiều dài toàn tuyến là 1.559 km chạy dọc hành lang Bắc - Nam, đi qua 20 địa phương, nối Hà Nội và TP HCM; tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách; thời gian chạy tàu từ Hà Nội - TP HCM là 5 giờ 20 phút (nếu không dừng ở một số ga) và 6 giờ 55 phút nếu dừng ở tất cả ga. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,3 triệu tỉ đồng (58,7 tỉ USD).

Trong khi đó, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra phương án khác. Theo đó, tốc độ thiết kế là 200 km/giờ và tổng vốn đầu tư dự án này chỉ khoảng 26 tỉ USD, tức là chưa tới một nửa so với tính toán và đề xuất của Bộ GTVT trước đó.

Đang có sự tranh luận trong giới chuyên gia, chủ yếu xoay quanh tốc độ thiết kế. Nhiều quan điểm cho rằng trên thế giới đường sắt trên cao đã đạt tốc độ đến 500 km/giờ, Việt Nam đến nay còn khiêm tốn ở mức 200 km/giờ là lạc hậu, trong tương lai sẽ lạc hậu hơn nữa. Các ý kiến khác bảo trong cự ly gần 1.600 km từ Hà Nội đi TP HCM, tốc độ 200 km/giờ là phù hợp, vì nhanh hơn thì đã có máy bay; hơn nữa, phải tính đến bài toán vận chuyển hàng hóa để khai thác thêm công năng của tàu, nếu chỉ chở khách không thôi thì lãng phí; và theo tính toán, lượng hành khách sử dụng đường sắt tốc độ cao đến năm 2050 chỉ đạt 40%.

Nhưng câu hỏi đầu tiên vẫn là "tiền đâu?". Nếu chỉ thuần là con số trên giấy thì muốn bao nhiêu cũng "vẽ" ra được, còn trên thực tế thì 1,3 triệu tỉ đồng là khoản vốn khổng lồ, thật sự là gánh nặng. Nếu ngân sách ưu tiên đầu tư số tiền "khủng" này cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam thì đồng nghĩa hầu hết các dự án GTVT khác bị đình trệ, ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển kinh tế - xã hội hàng loạt địa phương cũng như cả nước.

Mà đó cũng mới chỉ là tính toán ban đầu, thực tế chắc chắn sẽ còn phát sinh thêm. Chiều tối 9-7, Bộ GTVT đã phải lên tiếng giải thích vì sao có sự chênh lệch đến 32 tỉ USD trong tính toán giữa Bộ GTVT với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án này. Nhưng nói gì thì nói, thực tế cho thấy Bộ GTVT không tạo được niềm tin trong dự toán các công trình trọng điểm của ngành, điển hình là dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang là bài học cay đắng nhãn tiền.

Dự án Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt từ năm 2008, hơn 10 năm sau vẫn chưa thể vận hành vì chưa nghiệm thu để xác thực độ an toàn, trong khoảng thời gian đó vốn đầu tư đội lên kinh khủng và đến nay, chỉ riêng phần đội vốn mỗi năm phía ta phải trả bên cho vay (Trung Quốc) 650 tỉ đồng. Dự án này dự kiến được bàn giao cho TP Hà Nội và địa phương này phải vay hơn 2.000 tỉ đồng để vận hành. Nhận một cục nợ trong khi chưa biết hiệu quả tới đâu!

Tiền nào cũng từ mồ hôi nước mắt. Ít hay nhiều là một lẽ, điều rất cần ở các bộ - ngành là phải có trách nhiệm với từng đồng thuế của dân. Lẽ nào chỉ vậy thôi mà không làm được?! 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo