Phản ánh đến Báo Người Lao Động, anh Nguyễn H. (trú quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết hóa đơn tiền điện tháng 5 của gia đình anh hơn 1,5 triệu đồng, trong khi tháng 4 chỉ gần 800.000 đồng.
Giá điện tăng 2-3 lần
"Với 2 vợ chồng và 1 con nhỏ, tiền điện tháng 5 tăng gấp đôi tháng trước khiến chúng tôi bất ngờ. Nhu cầu sử dụng điện của gia đình không thay đổi so với tháng 4, máy điều hòa chủ yếu sử dụng vào ban đêm, bật ở nhiệt độ khuyến cáo của ngành điện là từ 26-28 độ C" - anh H. phản ánh.
Gia đình anh Lê Ngọc T. (quận Tây Hồ, TP Hà Nội) nhận hóa đơn tiền điện của tháng 5 hơn 2,4 triệu đồng. Tháng này, gia đình anh sử dụng 880 KWh, tăng hơn 250 KWh so với tháng trước đó. Khi kiểm tra lại hóa đơn điện 2 tháng gần nhất, mức tiền phải trả của gia đình anh chỉ khoảng 1,5 triệu đồng và không chênh lệch quá lớn giữa các tháng mùa hè này. "Được giảm hơn 62.000 đồng hỗ trợ sau dịch Covid-19 nhưng hóa đơn lại tăng vọt lên gần 1 triệu đồng" - anh T. băn khoăn.
Nhiều người dân ở TP HCM đã phản ánh hóa đơn tiền điện tháng 3 tăng chóng mặt, có trường hợp tăng gấp 4-5 lần so với tháng trước.
Thắc mắc lý do hóa đơn tiền điện của gia đình tăng vọt từ mức 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng mỗi tháng lên hơn 2 triệu đồng/tháng trong 3 tháng gần đây, ông L.C.C (ngụ quận 2, TP HCM) hỏi điện lực thì được trả lời là do dịch Covid-19 nên gia đình ở nhà nhiều hơn, sử dụng điện nhiều hơn bình thường. "Làm sao để người dân giám sát, theo dõi số lượng điện họ tiêu thụ hằng ngày chứ cứ như hiện tại, đến cuối tháng nhận giấy báo tiền điện mới "tá hỏa" thì bị động quá" - ông L.C.C đặt vấn đề.
Mới đây, ông B.T.A (ngụ quận 9, TP HCM) đã gửi đơn khiếu nại đến Tổng Công ty Điện lực TP HCM, yêu cầu xác minh nguyên nhân dẫn đến lượng điện tiêu thụ của gia đình tăng bất thường. Trong đơn, ông B.T.A cho biết từ tháng 4-2019 đến tháng 3-2020, trung bình mỗi tháng gia đình ông tiêu thụ trên dưới 400 KWh điện. Bắt đầu từ tháng 4-2020, mức tiền điện đột ngột tăng, trung bình mỗi tháng 720 KWh dù vật dụng sử dụng điện trong gia đình không thay đổi so với các tháng trước.
"Việc tăng tiền điện xảy ra sau khi Công ty Điện lực Thủ Thiêm thay mới công-tơ điện tử cho gia đình tôi từ ngày 11-3-2020. Tôi nhận thấy đây là nguyên nhân dẫn đến việc tăng mức sử dụng điện bất thường" - ông B.T.A nêu.
Người dân đóng tiền điện tại Công ty Điện lực Sài GònẢnh: TẤN THẠNH
"Tăng do nắng nóng"?
Theo Tổng Công ty Điện lực TP HCM, đích thân phó giám đốc Công ty Điện lực Thủ Thiêm đã đến làm việc trực tiếp, kiểm chứng công-tơ điện của hộ khách hàng B.T.A. Kết quả kiểm chứng công-tơ đạt cấp chính xác theo chuẩn về đo lường và kiểm tra chỉ số điện phù hợp với thực tế.
Ngành điện TP HCM cũng khẳng định không có sai sót trong ghi chỉ số điện và tính toán tiền điện của khách hàng bởi sau khi nhân viên điện lực đến nhà khách hàng ghi chỉ số điện trên đồng hồ, ngành điện còn tiến hành một bước kiểm tra, đối chiếu trước khi in hóa đơn thông báo đến khách hàng. Nếu trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện sai sót, phần mềm sẽ tự động điều chỉnh.
Về nguyên nhân tiền điện tăng, theo Tổng Công ty Điện lực TP HCM, chủ yếu do thời tiết nắng nóng, các hộ khách hàng sử dụng nhiều thiết bị làm mát, nhất là máy lạnh, nên tiêu thụ nhiều điện. Bản thân thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng nên càng tốn nhiều điện hơn (mặc dù thời gian sử dụng điện của các thiết bị làm mát tương đương các tháng trước).
Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội cho biết trong tháng 5, Hà Nội chỉ hứng chịu đợt nắng nóng duy nhất trong 2 ngày (20 và 21-5) đã nâng lượng điện tiêu thụ trung bình lên mức 62,6 triệu KWh/ngày, tăng 45% so với tháng 4 (42,99 triệu KWh/ngày). Nếu so sánh lượng điện tiêu thụ của các tháng trước đó, có thể nhận thấy sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn TP Hà Nội trong tháng qua đã tăng rất cao. Tính đến ngày 12-6, lượng điện tiêu thụ trung bình hơn 80 triệu KWh/ngày, tăng 28% so với tháng trước. Đại diện Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội nhấn mạnh kỳ hóa đơn tiền điện tháng 5 bao gồm cả những ngày nắng nóng gay gắt của tháng 5 và đợt nắng nóng kéo dài đầu tháng 6.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kép dài kỷ lục trong 27 năm qua dẫn đến tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh.
Có hơn 3,1 triệu khách hàng trong tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4-2020. Đặc biệt, trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng hơn 300% so với tháng 4.
Giám sát lượng điện tiêu thụ hằng ngày
EVN cho biết hiện các công-tơ điện tử thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. Đối với công-tơ cơ khí, hiện áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện những số liệu bất thường để hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót trong việc ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.
Khách hàng hiện nay sẽ nhận hóa đơn tiền điện mỗi tháng một lần. Theo mẫu hóa đơn tiền điện mới của EVN, khách hàng có thể so sánh lượng điện tiêu thụ của các tháng với nhau bằng biểu đồ minh họa khá chi tiết. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng để bảo đảm công khai, minh bạch, ngành điện cần có phương án để người dân nắm được chỉ số tiêu thụ điện hằng ngày, tránh việc hóa đơn tăng nhanh như vừa qua.
Đánh giá về việc này, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng để người dân theo dõi chỉ số điện tiêu thụ hằng ngày, đặc biệt là mùa nắng nóng, ngành điện cần nghiên cứu phương án giúp người dân có thể giám sát cũng như điều chỉnh sử dụng điện cho phù hợp, tiết kiệm.
"Với công nghệ hiện nay của ngành điện, cùng với việc đa số người dân đều sử dụng điện thoại di động thông minh, ngành điện có thể ứng dụng công nghệ để người dân theo dõi lượng điện tiêu thụ hằng ngày. Trước mắt, có thể tập trung vào các tháng nắng nóng trong năm" - chuyên gia này nêu quan điểm.
Về việc giám sát ghi chỉ số công-tơ điện, đại diện EVN cho biết lịch ghi chỉ số được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được ngành điện công khai, bảo đảm khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công-tơ và sản lượng điện tiêu thụ. "Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công-tơ của điện lực" - đại diện EVN cho hay.
Một chuyên gia đề nghị không nêu tên cho rằng không có căn cứ để kết luận EVN có gian lận trong ghi số điện, trừ khi có thanh tra, đối soát. Để khắc phục những "ngờ vực" tương tự, có thể tháo gỡ bằng cách cải tiến công nghệ. Ví dụ kết nối công-tơ tổng với công-tơ gắn ở nhà dân, thử nghiệm công-tơ điện tử có gắn thẻ sim tích hợp trên điện thoại của người tiêu dùng…
Hoàn tất kiểm tra việc tăng giá điện
Ngày 20-6, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về cuộc kiểm tra tăng giá điện và thu tiền điện do Thanh tra Chính phủ (TTCP) chủ trì từ tháng 5-2019, Phó Tổng TTCP Bùi Ngọc Lam cho biết cơ quan thanh tra đã hoàn tất việc kiểm tra. Hiện kết luận cuộc kiểm tra đã được TTCP báo cáo lên Chính phủ. Sau khi lãnh đạo Chính phủ có ý kiến, cơ quan này sẽ công khai, dự kiến trong tháng 6 này.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính:
Giá điện và niềm tin của người dân
Nếu loại trừ trường hợp đồng hồ điện chạy sai hoặc ghi sai số điện trong các trường hợp hóa đơn tiền điện tăng vọt thì rõ ràng bậc thang giá điện hiện hành đang bộc lộ nhiều bất ổn.
Biểu giá điện được xây dựng trên cơ sở phân chia giá về từng nhóm tiêu dùng nhằm bảo đảm nguồn thu của bên bán điện không đổi, chỉ bù đắp tiền sử dụng điện từ mức này sang mức khác. Mấu chốt nằm ở chỗ một bộ phận lớn các hộ gia đình với mức thu nhập từ trung bình đến khá (khoảng 40% khách hàng sử dụng từ 100-300 KWh mỗi tháng) đang gánh giá điện ở mức khá cao - theo đánh giá của họ. Đây là vấn đề chia sẻ lợi ích, được cho người này sẽ mất cho người kia nên cần sự đồng thuận.
Bậc thang giá điện nên được nghiên cứu lại với cách phân chia hợp lý hơn. Một trong các phương án là rút từ 6 xuống 3 bậc thang nhưng khoảng cách mỗi bậc không nên quá xa và chênh lệch với giá bình quân để tránh thiệt cho người tiêu dùng.
Ngành điện thường nhận được phản hồi không tốt xung quanh câu chuyện hóa đơn tiền điện là bởi chưa giải quyết được vấn đề công khai, minh bạch trong chi phí, dẫn đến người tiêu dùng có tâm lý hoài nghi, thậm chí bức xúc. Thực tế, các số liệu được ngành điện công bố cho thấy áp lực đầu tư lớn, chi phí để vận hành rất cao bởi đây là ngành đặc thù. Tuy nhiên, mức độ chính xác của các con số cần được làm rõ lại. Thêm nữa, ngành điện cũng cần tiết giảm chi phí thông qua rà soát lương, nhân công, các khâu thừa thãi và tận dụng triệt để ứng dụng công nghệ mới nhằm giảm áp lực đến giá thành điện.
Bình luận (0)