Tuy vậy, đến nay, nước ta mới đứng ở vị thế "quốc gia ven biển" chứ chưa trở thành "quốc gia biển" tương xứng với tiềm năng. Trong đó, tại một cực tăng trưởng quan trọng ở phía Nam là TP HCM dường như sự phát triển kinh tế biển vẫn còn mờ nhạt trong chuỗi liên kết vùng.
Thế kỷ XXI được gọi là "Thế kỷ của biển và đại dương" khi kinh tế biển trở thành nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược biển của các quốc gia. Nhiều nước, kể cả có biển hay không có biển, đều mạnh dạn dịch chuyển hướng phát triển dựa vào không gian đất liền sang tận dụng hoặc tạo ảnh hưởng trên không gian biển, thậm chí vượt ra ngoài vùng lãnh thổ. Do vậy, mạo hiểm tiến ra biển bằng việc sớm hoàn thiện các chuỗi đô thị biển, đẩy mạnh liên kết vùng để tận dụng lợi thể cảng hàng hải, phát triển các ngành kinh tế biển... là con đường không thể khác dành cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Song, một vấn đề cần hết sức lưu tâm trên con đường hướng ra biển là ứng xử ra sao với không gian biển - một không gian đặc biệt nhạy cảm bởi không dễ dàng khai thác, kiểm soát. Tầm nhìn hướng biển không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, cẩn trọng trong ứng xử mà còn cần một chiến lược bài bản, toàn diện từ góc độ kết nối với đất liền, với vùng lân cận và quốc tế. Trong đó, yêu cầu quan trọng là xác định rõ đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng tài nguyên để chọn hướng khai thác thật hiệu quả. Bên cạnh đó là những vấn đề phải giải quyết: Tích tụ cư dân ven biển và liên kết chuỗi đô thị biển, cảng biển; phát triển du lịch biển hay phát triển sản xuất công nghiệp và thủy sản sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng?
Đối với mỗi xu thế phát triển, cần cách ứng xử khác nhau cũng như chiến lược riêng cho phù hợp. Chẳng hạn, với định hướng phát triển TP biển gắn với sản xuất công nghiệp và hoạt động giao thương, cần xác định khả năng kết nối các dịch vụ sau cảng đủ để đáp ứng nhu cầu. TP biển Thâm Quyến - Trung Quốc là một ví dụ để học hỏi. Động lực đằng sau giúp TP này có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm 1990 không chỉ nằm ở lợi thế vượt trội của mặt tiền biển của châu thổ sông Châu Giang mà còn nhờ sự hậu thuẫn quan trọng từ khả năng sản xuất quy mô lớn của công xưởng Quảng Châu cùng vị trí trung tâm tài chính xếp thứ 9 và hệ thống cảng biển thứ 3 thế giới. Còn với định hướng phát triển đô thị biển, du lịch biển, cam kết bảo vệ môi trường bền vững chính là đòi hỏi đầu tiên.
Quan điểm và tầm nhìn phát triển kinh tế biển của các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu thay đổi theo hướng hình thành nền kinh tế biển xanh trong tương quan với tăng trưởng xanh. Trong đó, việc khai thác, sử dụng các nguồn lực biển theo hướng bền vững thay thế cho các hoạt động khai thác cạn kiệt tài nguyên và phát thải lớn. Nếu đáp ứng được đòi hỏi này, kinh tế biến sẽ đóng vai trò nổi bật trong tăng trưởng kinh tế của quốc gia khi dư địa từ lĩnh vực khác đang dần cạn.
Bình luận (0)