Con đường này là tuyến tránh qua huyện Chư Sê, sử dụng vốn ngân sách, do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm đại diện chủ đầu tư. Chỉ dài khoảng 11 km nhưng chưa đến 1 năm sau khi đưa vào sử dụng, con đường này đã "đủ tư cách" xếp vào top những con đường kinh khủng nhất nước: sụt lún, nứt toác như vừa trải qua động đất, ngay cả xe bò cũng không thể lưu thông.
Ngay từ những ngày đầu đưa vào sử dụng, những bất thường từ con đường đã được phóng viên Báo Người Lao Động liên tục phản ánh. Các cơ quan chức năng cố gắng đưa ra nhiều giải pháp để cứu con đường nhưng tất cả gần như vô vọng bởi nó đã hỏng từ ngay từ khâu khảo sát, thiết kế. Những sai lầm này đã phải trả giá, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án vào tháng 7-2020 và nay khởi tố thêm kỹ sư thiết kế.
Có những điều rất khó hiểu, từ khâu khảo sát, thiết kế, lập dự án cho đến thi công đều có đơn vị giám sát và gián tiếp là Bộ GTVT nhưng không ai phát hiện những sai sót cơ bản là con đường nằm trên vùng đất yếu.
Cũng giống như con đường trên, trước đây các cơ quan chức năng rất yên tâm về chất lượng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khi nó được hoàn thành, theo như báo cáo của đơn vị thi công. Để khi báo chí vào cuộc, đi thực tế phản ánh cụ thể những hư hỏng không thể chấp nhận được thì vấn đề mới được chủ đầu tư tổ chức điều tra. Chủ đầu tư tiếp tục cho chắp vá, sửa chữa nhưng cuối cùng phải thừa nhận chất lượng có vấn đề.
Những hư hỏng này dần lộ rõ nguyên nhân khi cơ quan công an phải khởi tố hàng loạt cán bộ của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi về hành vi "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có chi phí hơn 34.000 tỉ đồng, phần lớn là vốn vay. Đường hỏng nhưng gánh nặng trả nợ không hề nhỏ và nó sẽ được tính sòng phẳng cho khách hàng là những ai đi qua con đường này.
Đường tuyến tránh huyện Chư Sê đã góp mặt đáng xấu hổ vào những con đường tai tiếng tầm quốc gia, vừa làm đã hỏng, cao tốc như đường làng… hiện diện nhiều nơi. Nguyên nhân gây hư hỏng được các cơ quan chức năng kết luận thì khá sơ đẳng mà bất cứ kỹ sư cầu đường nào cũng nhìn ra. Còn nguyên nhân sâu xa cũng không khó đoán.
Đầu tư hạ tầng luôn ngốn những khoản kinh phí khổng lồ và bù lại nó sẽ tạo đà căn bản để phát triển kinh tế vùng, miền và góp phần vào tăng trưởng đất nước. Chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư hàng loạt đường cao tốc trên khắp đất nước và trước mắt là dành 2 tỉ USD để xây dựng hạ tầng giao thông ở ĐBSCL.
Những bài học từ các con đường tệ hại như trên cần phải được nghiêm khắc xem xét để người dân và doanh nghiệp không phải xót xa với đồng tiền mà mình phải trả.
Bình luận (0)