Mục tiêu của đề án là tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ TS trong các trường ĐH-CĐ, phấn đấu đến năm 2020 bổ sung được ít nhất 20.000 TS.
Tổng kinh phí thực hiện đề án là 14.000 tỉ đồng, trong đó đào tạo ở nước ngoài khoảng 10.000 TS, đào tạo phối hợp 3.000 TS, đào tạo trong nước 10.000 TS.
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán đề án này, cho thấy hàng loạt mục tiêu không đạt được qua hơn 5 năm thực hiện. Qua đó kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 50 tỉ đồng và các khoản chi sai khác.
Thực tế cũng có một số TS được đào tạo từ đề án này có chất lượng tốt nhưng không nhiều. Điều đáng lo là các chương trình đào tạo không khác biệt nhiều so với đào tạo TS đại trà, làm chệch mục tiêu đào tạo.
Đề án 911 coi như phá sản nhưng phải cần rút ra những bài học sâu sắc. Tại sao có tiền mà vẫn không đào tạo được TS có chất lượng? Có nên đào tạo cấp tập như vậy?
Thực tế Đề án 911 có những bất cập. Đơn cử như việc Bộ Tài chính cắt giảm kinh phí đào tạo 3 năm nghiên cứu sinh (NCS) trong nước khối kỹ thuật chỉ còn 70 triệu đồng dù Chính phủ duyệt là 200 triệu đồng. Kinh phí hỗ trợ nhóm ngành y dược là 16 triệu đồng/NCS/năm, nhóm ngành xã hội là 10 triệu đồng/NCS/năm... Một nghiên cứu sinh học 4 năm ở nước ngoài tốn ít nhất 150.000-160.000 USD, trong khi kinh phí cấp không đủ. Ngoài ra, kinh phí học ngoại ngữ gần như không có, trong khi các giảng viên là thạc sĩ thì trình độ ngoại ngữ không đủ để làm NCS ở nước ngoài…
Trong khi chưa tổng kết Đề án 911, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đề xuất đề án đào tạo 9.000 TS với gói chi ngân sách 12.000 tỉ đồng, như tiếp nối Đề án 911.
Thực tế, dẫu có biện minh như thế nào, Đề án 911 cũng thuộc dạng thức đào tạo TS hàng loạt, khó bảo đảm chất lượng. Nay đề án mới đào tạo 9.000 TS có đi vào vết xe đổ?
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định với đề án đào tạo 9.000 TS, ngân sách không được đưa về cơ sở đào tạo nào mà cấp cho những người đáp ứng được tiêu chuẩn dưới dạng học bổng. Tuy nhiên, hiện nay, NCS thích nhận học bổng từ nước ngoài hơn ngân sách và đa số là những người giỏi. Còn đi học bằng ngân sách chỉ là lựa chọn cuối cùng; và tất nhiên thường dành cho người trung bình. Yếu tố này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Việc đào tạo TS theo kiểu đại trà đều thất bại qua các đề án đã thực hiện, chứng minh rằng có tiền chưa chắc đào tạo được TS giỏi. Vấn đề là nhu cầu của người học, yêu cầu của cơ sở sử dụng.
Yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy là rất quan trọng nhưng không thể đi tắt. Có nhiều cách để nâng cao chất lượng giảng viên, ngoài việc đào tạo, cần có chính sách thực sự thông thoáng để thu hút các trí thức là người Việt ở nước ngoài về nước tham gia giảng dạy. Cách làm này vừa ít tốn kém vừa có nguồn nhân lực cấp cao giảng dạy ở bậc ĐH-CĐ
Bình luận (0)